Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam điện vừa có Công diện điện Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Giao thông vận tải – Xây dựng Lào Cai về việc tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT và công tác bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Theo đó, thực hiện quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 18/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Lễ quốc khánh 02/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT nêu trên tăng cường khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT và công tác bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải, cụ thể: Thực hiện theo dõi, kiểm tra, trích xuất dữ liệu trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT của Cục ĐBVN để phục vụ công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục, xe tuyến cố định chạy sai hành trình và các trường hợp không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện rà soát và cập nhật đầy đủ thông tin của các đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện thuộc quyền quản lý của đơn vị trên Hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT của Cục ĐBVN.
Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT có văn bản chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện bố trí đủ số lượng phương tiện để phục vụ nhu cầu vận chuyển khách; xây dựng phương án tăng cường, dự phòng phương tiện và công tác đảm bảo an toàn giao thông để đáp ứng nhu cầu vận chuyển; bảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt của phương tiện, tuyệt đối không đưa phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải khi phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không có thiết bị GSHT hoặc có nhưng không hoạt động; quán triệt, phổ biến cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe thực hiện đúng quy định về thời gian lái xe liên tục và thời gian lái xe trong ngày, tuyệt đối không điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn trong máu và hơi thở.
Theo dõi và duy trì tình hoạt động tốt đảm bảo truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình khi phương tiện tham gia giao thông theo quy định. Thường xuyên theo dõi, khai thác dữ liệu từ thiết bị GSHT, camera để kiểm tra, chấn chỉnh, nhắc nhở và cảnh báo kịp thời, xử lý người lái xe khi có vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị. Tổ chức xây dựng và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 12/2020/TT -BGTVT để quản lý chặt chẽ phương tiện, lái xe khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải. Thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn, hướng dẫn phân luồng giao thông của các cơ quan, lực lượng chức năng tại các địa phương trong quá trình thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Đối với các đơn vị khai thác bến xe: Phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài bến xe để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các tình huống hoặc biểu hiện gây mất an toàn, an ninh trật tự tại khu vực bến; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các phương tiện, lái xe hoạt động tại bến; công tác kiểm tra đối với hoạt động xếp, dỡ hàng hóa tại bến. Xây dựng, thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định tại Điều 6 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Thực hiện rà soát để đảm bảo truyền dẫn đầy đủ, chính xác, kịp thời dữ liệu lệnh vận chuyển theo nội dung yêu cầu tại văn bản số 155/CĐBVN-QLVT, PT&NL ngày 11/10/2022.
Xuân Nguyên