Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong tình hình mới.
Qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh ra quân bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.
Tại Thái Bình, hơn 10 năm qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn cơ bản được kiềm chế; toàn tỉnh xảy ra 1.955 vụ TNGT đường bộ, làm chết 635 người, bị thương 1.597 người; xảy ra 8 vụ TNGT đường thủy, làm chết 8 người. Thống kê 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ TNGT, làm chết 25 người và bị thương 41 người, so với cùng kỳ năm 2022 TNGT giảm 3 vụ (tương đương giảm 5,3%); giảm 7 người bị thương (tương đương 14,6%). Đường thủy không xảy ra TNGT.
Để nắm rõ Chỉ thị số 23-CT/TW, đầu tháng 7/2023 Ban Bí thư tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai đến tất cả các địa phương trong cả nước. Ngoài quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW, hội nghị cũng dành thời gian đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”. Qua đó khẳng định từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm thực hiện Chỉ thị số 18, qua đó lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 458.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 320 tỷ đồng (tăng 60% số tiền phạt so với trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 18), tạm giữ 46.364 phương tiện, tước 46.027 giấy phép lái xe, thông báo 98.447 trường hợp vi phạm về cơ quan, đơn vị, trường học, nơi cư trú.
Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT được quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức. Qua 10 năm, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí của tỉnh đăng tải, phát sóng gần 1.000 tin, bài chuyên mục ATGT; tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho 472.000 học sinh, sinh viên, công nhân, phụ nữ; ký cam kết cho 16.750 lượt lái xe hoạt động trên tuyến, 13.800 hộ dân kinh doanh dịch vụ, sinh sống ven đường. Mở 216 buổi tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống bảng ảnh tại khu vực cổng các khu công nghiệp, trường học, bến xe, chợ đầu mối; căng treo 1.116 băng rôn lớn, 916 khẩu hiệu tuyên truyền tại nơi công cộng và trục đường giao thông; in 90.000 tờ rơi, lịch ATGT phát cho đội ngũ lái xe và người dân ven đường; tổ chức 21 cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ tại 21 trường học với gần 18.000 học sinh, sinh viên tham gia.
Đại tá Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, nhân dân... Ngoài ra, công an các đơn vị, địa phương còn xây dựng, triển khai, thực hiện nhiều mô hình về bảo đảm trật tự ATGT hiệu quả trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm; rà soát, kiến nghị khắc phục các bất cập, bất hợp lý về giao thông đường bộ và đường thủy nội địa; xây dựng các phương án phân luồng, điều tiết hướng dẫn giao thông, chủ động nắm tình hình, lưu lượng phương tiện trên các tuyến giao thông, triển khai phương án bố trí lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông từ xa, từ sớm. Theo đó, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài phức tạp. Hiện toàn tỉnh có 2.081 tổ tự quản ATGT ở 213 xã, phường, thị trấn; nhiều mô hình hoạt động rất hiệu quả như tổ tự quản ATGT xã Vũ Quý (Kiến Xương), xã Hùng Dũng (Hưng Hà); mô hình “Làng chài bình yên” tại xã Hồng Lý, xã Việt Hùng (Vũ Thư).
Cũng như các sở, ngành, địa phương, 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, Sở Giao thông Vận tải, Ban ATGT tỉnh phối hợp Công an tỉnh tuyên truyền, tập huấn ATGT cho hàng nghìn người; phối hợp MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên hàng năm tổ chức tập huấn cho trên 6.000 cán bộ, trên 32.000 lượt người dân...
Theo ông Trần Quang Triển, Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Sở đã phối hợp chặt chẽ các huyện, thành phố tiến hành rà soát phát hiện, kiến nghị xử lý 129 điểm đen, điểm tiềm ẩn, phức tạp về ATGT; xây dựng 1.273 gờ giảm tốc tại các điểm đấu nối với đường tỉnh, quốc lộ (100% các điểm đấu nối), 6.249 điểm đấu nối giữa đường huyện, xã và thôn xóm, thay thế, điều chỉnh bổ sung 1.055 biển báo hiệu đường bộ các loại. Sở cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thi công thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATGT, nhất là công trình vừa thi công vừa khai thác; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đường thủy và khắc phục cây xanh, biển báo che khuất tầm nhìn giao thông; xử lý xe chở quá tải, cơi nới thùng,... Từ đó đề ra các biện pháp khắc phục như xây dựng vòng xuyến, đèn tín hiệu giao thông, đèn cảnh báo giao thông, đèn chiếu sáng, biển báo hiệu giao thông.
Để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu của Chỉ thị. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; xác định bảo đảm trật tự ATGT là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự ATGT; hoàn thiện thể chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, nâng cao đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý nhà nước về trật tự ATGT; huy động mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong bảo đảm trật tự ATGT...