Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá nỗ lực để những chuyến tàu được an toàn

Thứ sáu, 05/01/2024 13:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua, Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách đảm bảo an toàn cho từng chuyến tàu.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam do Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa quản lý đi qua địa phận tỉnh Thanh Hoá có tổng chiều dài 101,2km với 147 điểm giao cắt, trong đó có 69 đường ngang hợp pháp và 78 lối đi tồn tại lâu năm do người dân hai bên tự mở ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.


Gác chắn rada tự động được lắp đặt tại các điểm giao nhau giữa đường bộ

và đường sắt, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện

Quyết tâm xoá bỏ lối đi tự mở

Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá cho biết, hầu hết tuyến đường sắt chạy song song với đường bộ và qua khu đô thị, đông dân cư như thị xã Bỉm Sơn, thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn nên công tác quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn tại các điểm giao cắt được đặt lên hàng đầu.

Ngay từ đầu năm 2023, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa quán triệt đến từng cán bộ, công nhân viên thực hiện nghiêm túc các công văn, chỉ thị các cấp về ATGT như: Luật đường sắt; Nghị định số 56/2018/NĐ-CP; Nghị định số 65/2018/NĐ-CP; Thông tư 25/2018/TT-BGTVT, Đặc biệt là Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối tự mở qua đường sắt.


Hàng năm, Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá tiến hành duy tu, bảo dưỡng

hạ tầng, đảm bảo cho tàu chạy êm thuận, an toàn

Ngoài ra, phía Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá, Ban ATGT tỉnh, huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông đường sắt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây sự cố, tai nạn trên đường sắt, duy trì và nhân rộng các phong trào: phong trào "Đường tàu - Đường hoa" với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa, Mỗi khu ga - Một điểm đến"; phong trào "Chính quy - Văn Hóa - An toàn"…

Đơn cử như để đảm bảo an toàn đường sắt và đi lại của người dân tại thôn Đại Đức, xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tháng 10/2023 vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã khởi công xây dựng một đường gom có chiều dài 1,4km song song với đường sắt phục vụ bà con đi lại an toàn.

Đây chỉ là 1 trong số hàng chục lối đi tự mở đã được Công ty Cổ phần Đường sắt Thanh Hoá phối hợp với Sở giao thông vận tải, Ban ATGT tỉnh và chính quyền địa phương xóa bỏ.

Hay mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án Cầu vượt đường sắt Bắc - Nam và đường hai đầu cầu thuộc tuyến Đại lộ Đông - Tây, thành phố Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư hơn 647 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm ATGT qua tuyến đường sắt Bắc - Nam; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ tuyến Đại lộ Đông - Tây theo quy hoạch để tăng cường kết nối giao thông trong khu vực.

Tại các đường ngang hợp pháp, Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá đã lắp cần chắn Rada tự động tại một số vị trí có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông, bố trí người cảnh giới tại các đường ngang qua đường sắt không có chắn; thu hẹp các lối đi dân sinh tự mở chưa đóng và lắp đặt hệ thống biển báo, gờ hạn chế tốc độ; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, khảo sát làm đường gom tiến tới xoá bỏ lối đi tự mở.


Hiện nay, Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá đang thi công cầu vượt đường sắt
trên tuyến QL45 qua huyện Nông Cống để xoá bỏ điểm giao cắt

Song song với đó, Công ty luôn chấp hành đúng các quy định của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT và pháp luật có liên quan trong hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; tổ chức thi công, sửa chữa kết cấu hạ tầng đảm bảo chạy tàu êm thuận, đáp ứng chỉ tiêu xóc lắc đề ra và luôn nằm trong tốp 5 đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng có kết quả đo xóc lắc tốt nhất.

Thống kê cho thấy, trong năm, Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, rào đóng, xóa bỏ 1 lối đi tự mở tại Km 227+830 trên địa bàn phường Trúc Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tính đến thời điểm hiện tại còn 78 lối tự mở lâu năm.

Ông Lê Sỹ Anh, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Thanh Hoá cho biết, đơn vị đặt mục tiêu trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp để sớm nhất xoá bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt còn tồn tại.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt và mở lối đi dân sinh trái phép, nhằm lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn toàn tỉnh.

Giữ vững an toàn, kéo giảm TNGT

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang bị khủng hoảng, Chính phủ tiếp tục cắt giảm chi tiêu công, sự cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm ngày càng khó khăn, cơ sở hạ tầng đường sắt trong phạm vi quản lý của công ty còn chưa đồng bộ, an toàn chạy tàu chưa thực sự vững chắc, giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động công ty.

Tuy nhiên, Công ty đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, sự giúp đỡ nhiệt tình, có hiệu quả của địa phương, với truyền thống đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn của người lao động, phát huy những thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế tồn tại trong năm 2023.

Năm 2024, Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa triển khai nhiệm vụ với mục tiêu: "Quyết liệt - Sáng tạo - Linh hoạt - Hiệu quả" và "Giữ vững an toàn chạy tàu, an toàn hành khách và hàng hóa, phấn đấu giảm tai nạn, sự cố chạy tàu và không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do chủ quan; kìm chế và giảm thiểu sự cố, tai nạn do khách quan, phấn đấu giảm ít nhất là 5% so với cùng kỳ trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương".

Để thực hiên được mục tiêu trên, Công ty CP đường sắt Thanh Hoá tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các công văn, chỉ thị các cấp về ATGT; Phối hợp với Ban ATGT các phương, ngành chức năng thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt trước, trong và sau Tết phục vụ đợt cao điểm vận tải Tết nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2024.

Nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt giữ vững công lệnh tốc độ tải trọng, tỷ lệ điểm giảm xóc lắc giữ vững tốp 5 trong các đơn vị khối kết cấu hạ tầng đường sắt.

Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị và cán bộ công nhân viên công ty trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thủ trưởng các đơn vị phải luôn quán triệt sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt của công tác đảm bảo ATGT luôn coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác phục vụ vận tải đường sắt.

Với tôn chỉ "Đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu", Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa đã xây dựng được một tập thể đoàn kết vững mạnh mà ở đó trí tuệ, sức sáng tạo, sự năng động và nhiệt huyết của mỗi cá nhân luôn được khơi dậy và phát huy cao độ.

Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty luôn đạt mức tăng trưởng cao và ổn định; Tổng giá trị SXKD, doanh thu, lợi nhuận cũng như các khoản nộp ngân sách và phúc lợi xã hội ngày càng tăng.

hoavt

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)