Hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua luôn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ dễ xảy ra mất an toàn giao thông (ATGT).
Trước thực tế đó, Sở GTVT Hòa Bình đã chỉ đạo Bến xe khách trung tâm và các bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024.
Các chủ phương tiện thủy nội địa tại Cảng Bích Hạ, TP Hòa Bình
trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định trước khi rời bến.
Bến xe khách trung tâm TP Hoà Bình hiện ký hợp đồng dịch vụ xe ra, vào bến với 37 doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải, trong đó, nội tỉnh 12 đơn vị, ngoại tỉnh 25 đơn vị với 53 tuyến vận tải hành khách cố định. Bình quân Bến xe khách trung tâm tiếp nhận trên dưới 280 chuyến/ngày. Không chỉ quản lý vận tải đường bộ, mới đây, Sở GTVT Hòa Bình đã giao Bến xe khách trung tâm quản lý, điều hành Cảng Thung Nai, huyện Cao Phong. Để đảm bảo trật tự ATGT thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân Giáp Thìn, Bến xe khách trung tâm đã ban hành Kế hoạch số 190/KH-BXK, ngày 15/12/2023 về việc phục vụ vận tải hành khách đảm bảo ANTT, ATGT trước, trong, sau Tết và mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024.
Theo đó, Bến xe khách chủ động phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn để đảm bảo ANTT, ATGT trong và ngoài bến. Tăng cường phối hợp với đơn vị vận tải, đảm bảo đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, không để xảy ra hiện tượng ùn tắc, nhỡ xe trong dịp Tết. Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm điều kiện kinh doanh, tăng giá vé sai quy hoạch, tranh giành khách và các hành vi tiêu cực khác.
Tính đến thời điểm này, chưa có đơn vị kinh doanh vận tải ra vào Bến xe khách trung tâm đăng ký tăng chuyến, lượt xe phục vụ đi lại của nhân dân trong những ngày cận Tết. Mới đây, HTX vận tải Hoàng Kim khai trương tuyến xe buýt số 20 từ TP Hòa Bình - Cuối Hạ (Kim Bôi) - Tự Do (Lạc Sơn). Tuyến buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn đến TP Hòa Bình cũng góp phần giảm tải áp lực cho các nhà xe trên địa bàn trong thời điểm cuối năm.
Đồng chí Nguyễn Trung Dung, Giám đốc Bến xe khách Trung tâm (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: Trong những ngày cận Tết, chúng tôi sẽ thực hiện việc sắp xếp tài chuyến, điều động phương tiện vận chuyển hành khách hợp lý và nhanh chóng giải tỏa hành khách phù hợp với biểu đồ chạy xe đã được cơ quan quản lý chấp thuận và các đơn vị vận tải thỏa thuận. Hướng dẫn, sắp xếp phương tiện tập kết, đón trả khách đúng vị trí, đảm bảo lưu thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong bến. Liên hệ các đơn vị vận tải, các doanh nghiệp, HTX có phương tiện dự phòng đã đăng ký phục vụ khách, đưa phương tiện đến giải tỏa hành khách vào ngày cao điểm. Đối với việc quản lý bến cảng Thung Nai, Bến xe khách Trung tâm đã tiếp quản bến và tiến hành rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, đề xuất phương án sửa chữa, chỉnh trang và đã cắt cử nhân lực để đảm bảo các hoạt động ra vào bến. Theo nhiệm vụ, chúng tôi sẽ sắp xếp trông giữ xe, đảm bảo vệ sinh môi trường, gìn giữ ANTT trong suốt quá trình bến hoạt động đón tiếp các đoàn vào ra thăm quan tại lòng hồ Hoà Bình.
Đối với hoạt động vận tải đường thủy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 10 bến thủy nội địa và 1.314 phương tiện thủy nội địa. Trong đó có 269 phương tiện thủy nội địa hoạt động chủ yếu trên vùng hồ Hoà Bình. Đầu năm là thời điểm đông đảo du khách du xuân trẩy hội đền chúa Thác Bờ. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn và không tái diễn tình trạng khan hiếm tàu chở khách, Sở GTVT đã tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ phương tiện, bến thủy nội địa trên lòng hồ Hòa Bình. Theo lãnh đạo Sở GTVT, Sở đã chỉ đạo các Ban quản lý cảng, bến thủy nội địa chủ động phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra phương tiện, người lái trước khi xuất bến. Kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện theo quy địch vào bến đón trả khách. Quán triệt các chủ phương tiện chở khách yêu cầu 100% hành khách và thuyền viên mặc áo phao trước khi cho phương tiện rời bến. Kiểm tra số lượng, chất lượng dụng cụ cứu hỏa, cứu đắm, đảm bảo dụng cụ luôn trong tình trạng còn sử dụng tốt. Bố trí phương tiện đỗ, đậu thuận tiện trong khu vực cảng, bến; đường lên xuống khu vực trong cảng, bến đảm bảo công tác vệ sinh môi trường và thuận tiện cho khách đi lại. Trang bị đầy đủ phao tiêu, biển báo hiệu, chỉ dẫn, có đầy đủ đèn chiếu sáng. Niêm yết thông tin và công khai số điện thoại đường dây nóng về tình hình đảm bảo trật tự ATGT nhằm kịp thời tiếp nhận phản ánh của người dân để có phương án kịp thời xử lý. Kiên quyết không cho phương tiện hoạt động trong trường hợp thời tiết xấu hoặc trời tối khi có dòng nước chảy phức tạp khó kiểm soát.