Văn hóa giao thông được xây dựng từ ý thức chấp hành pháp luật, cách ứng xử, hành động đẹp, việc làm hay của người dân khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông có vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông.
Cùng với nỗ lực của các ngành, địa phương, ý thức, trách nhiệm của mỗi người sẽ là chìa khóa nâng cao văn hóa giao thông, xây dựng đô thị văn minh.
Hình thành văn hóa giao thông cho học sinh từ việc chấp hành
các quy định về an toàn giao thông.
Chuyển biến từ nhận thức
Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% số vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, đi không đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm tỷ lệ hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8%... Có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng “mạnh ai nấy đi” trên nhiều tuyến đường, đặc biệt ở các khu đô thị, các khu tập trung dân cư, nhất là vào những giờ cao điểm khiến tình trạng ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng.
Theo số liệu của Ban an toàn giao thông tỉnh, trong 6 tháng đầu năm lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản 39.472 trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu: Vi phạm ma túy, nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chuyển hướng...
Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT; đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản 1.490 trường hợp vi phạm; phạt tiền trên 2,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 172 trường hợp; tạm giữ 431 phương tiện...
Ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân chưa cao còn thể hiện ở việc trên những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi vắng bóng lực lượng kiểm tra, tình trạng vượt đèn đỏ, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, sử dụng còi tùy tiện, lưu thông không đúng làn đường... thường xảy ra. Do đó, việc xây dựng văn hóa giao thông an toàn được cho là giải pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông và góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện.
Chị Phạm Hà Thu, khu 10, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh cho biết: “Trước đây, vào giờ đón con ở các cổng trường thường xuyên xuất hiện tình trạng xe cộ chen lấn, va chạm giao thông, xe ô tô, xe máy không xếp thành hàng lối còn gây ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông qua các tuyến đường có cổng trường. Nhưng từ khi triển khai mô hình “Cổng trường trật tự ATGT” cũng như việc phối hợp tuyên truyền giữa các nhà trường với phụ huynh, dần dần tình trạng này đã giảm. Như hiện nay, con tôi học tại Trường Tiểu học Giấy Bãi Bằng, nhà trường quy định cổng để đón học sinh, yêu cầu phụ huynh xếp xe theo hàng lối đảm bảo ATGT trong thời điểm đón con. Điều này đã được thực hiện nghiêm túc. Việc đưa, đón học sinh cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn”.
Hiện nay hầu hết tại khu vực cổng trường tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đều có gắn biển và thông báo cho phụ huynh đưa đón học sinh đỗ xe đúng nơi quy định; kẻ vạch xác định vị trí đứng đón học sinh của từng lớp; bố trí thời gian giờ tan học đối với từng khối lớp; phân công giáo viên trực tiếp dẫn học sinh đi theo hàng và đến đúng vị trí quy định có phụ huynh học sinh đợi đón...
Hình ảnh đẹp về những cổng trường văn minh, an toàn đã lan tỏa nhanh chóng và nhận được sự hưởng ứng của nhiều nhà trường, phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mô hình “Cổng trường trật tự ATGT” đã được triển khai ở 100% trường học trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, phụ huynh; đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc, lộn xộn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT tại khu vực các cổng trường.
Có thể thấy, văn hóa giao thông không chỉ dừng lại ở việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ như không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, không chạy quá tốc độ... mà còn là những cử chỉ, hành động tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại thể hiện được tính cộng đồng, nét đẹp ứng xử giữa con người với con người, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn.
Chung sức đồng lòng
Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, thực hiện kế hoạch xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tập trung đổi mới nội dung, linh hoạt các hình thức truyền thông, tập trung trên các nền tảng mạng xã hội, hạ tầng số thông qua trang thông tin điện tử, zalo, nhắn tin qua các mạng lưới thuê bao di động; tăng cường phối hợp với MTTQ, Sở GD&ĐT, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... tổ chức các lớp truyền thông, tọa đàm phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; xây dựng mô hình ATGT, phong trào thi đua về văn hoá giao thông an toàn.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đầu năm đến nay đã xây dựng và thực hiện hàng nghìn tin, bài, phóng sự truyền hình, tình huống giao thông tuyên truyền công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự ATGT tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đưa tiêu chí văn hoá giao thông an toàn vào các nội quy, quy chế của đơn vị; có chế tài xử lý vi phạm và cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tập thể.
Chị Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì cho biết: Trong thời gian qua, đoàn viên công đoàn của Công ty được Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Văn phòng Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật TTATGT, qua đó đã nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân trong Công ty khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Công đoàn Công ty cũng thường xuyên quán triệt việc thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ đến toàn thể công nhân để dần hình thành ý thức tự giác, ứng xử văn minh, nét văn hóa giao thông trong lực lượng công nhân.
Chuẩn bị bước vào năm học 2024-2025, Sở GD&ĐT đã ban hành công văn số 1209/SGD&ĐT-GDTrH về việc bảo đảm trật tự ATGT trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm 2024. Triển khai “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường - tháng 9”, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển phương tiện giao thông để đảm bảo trật tự ATGT.
Phối hợp chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh tăng cường vận động phụ huynh, người giám hộ nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông; tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi theo quy định, chưa có giấy phép lái xe...
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự ATGT khu vực cổng trường; kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh; nắm bắt, theo dõi, nhắc nhở và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trật tự ATGT theo quy định, nội quy của nhà trường và các quy định của pháp luật, đặc biệt là các trường hợp tái phạm.
Xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông trước hết là ý thức tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của mỗi người dân. Để giải quyết những bất cập trong công tác quản lý cũng như nâng cao ý thức, chuẩn mực văn hóa giao thông, cần có sự chung tay của toàn xã hội nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông cho người dân./.