Tỉnh Long An thường xuyên có văn bản chỉ đạo và đôn đốc thực hiện các kế hoạch, giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) của Trung ương. Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới tạo nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả.
Tỉnh có mật độ lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông,
nhất là các tuyến đường kết nối với TP.HCM, gần khu, cụm công nghiệp
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc
Thời gian qua, tỉnh Long An đã triển khai, thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 23). Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới (gọi tắt là Chỉ thị số 10).
Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 23, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10, tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai, thực hiện trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo và đôn đốc, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tại các địa phương trong tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 23 và Chỉ thị 10.
Với 2 chỉ thị quan trọng này, thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương đã quán triệt, tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, người lao động và toàn thể người dân thực hiện. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai nhiều mô hình bảo đảm TTATGT hoạt động hiệu quả, đặc biệt là mô hình Camera giám sát an ninh, trật tự và Cổng trường ATGT. Công an tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Long An Đặng Hoàng Tuấn, Sở phối hợp các sở, ngành và địa phương khảo sát, kiểm tra hệ thống giao thông, biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng trên các tuyến giao thông trọng điểm; xác định, thống kê các "điểm đen", điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT), đề ra các biện pháp khắc phục kịp thời.
Từ đầu năm 2024, đã xử lý "điểm đen" về TNGT tại ngã tư Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa). Sau khi xử lý "điểm đen" này, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục rà soát, xác định 7 "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT ở 6 địa phương trong tỉnh. Trong tháng 6/2024, UBND tỉnh Long An ban hành quyết định công bố tình huống cấp bách xử lý các "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT này và bố trí 6 tỉ đồng giao ngành chức năng triển khai khắc phục.
Đồng thời, trên địa bàn toàn tỉnh đầu tư lắp đặt 295 camera ở 138 điểm; trong đó có 187 camera giám sát giao thông, 33 camera giám sát an ninh, 72 camera quay quét thông thường, 3 camera quan sát 360°. Riêng địa bàn TP.Tân An, từ ngày 10/10/2023, lắp đặt 22 điểm với 121 camera giám sát giao thông và khai thác, tiến hành "phạt nguội".
Đầu tháng 6/2024, ngành chức năng khảo sát TTATGT và an ninh, trật tự trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh. Qua đó, xác định lắp đặt 22 cột với 34 camera. Trong đó có 8 camera giám sát tốc độ, 14 camera giám sát đèn tín hiệu, 5 camera quan sát, 4 camera nhận dạng biển số.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ
Bên cạnh những kết quả, Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây. Cụ thể, nhiều người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về ATGT. Việc chấp hành xử phạt vi phạm qua hệ thống camera giám sát của TP.Tân An, nhiều người chưa tự giác mà cố tình né tránh. Tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè họp chợ tự phát, bán hàng còn diễn ra khá phức tạp, nhất là tại các trường học, khu, cụm công nghiệp, khu vực đông dân cư. “Điều đó cho thấy ý thức của nhiều người về chấp hành pháp luật về ATGT còn chưa tốt, chưa tự giác” - Đại tá Trần Văn Hà nói.
Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn hạn chế khi một số tuyến như Quốc lộ 62, Quốc lộ 1 xuống cấp, ảnh hưởng đến phương tiện tham gia giao thông và làm mất ATGT, nhất là vào mùa mưa, nước ngập. Tỉnh cũng đánh giá, có nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa quan tâm lãnh, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm TTATGT; có lúc, có nơi thực hiện còn mang tính hình thức, chưa sâu, rộng. Trong công tác bảo đảm ATGT thời gian qua, còn tư duy cho rằng nhiệm vụ bảo đảm TTATGT là của lực lượng công an.
Nhằm kiểm soát và kéo giảm TNGT trong thời gian tới, Đại tá Trần Văn Hà nhấn mạnh vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm TTATGT. Đây là trách nhiệm chung, không của riêng ai. Các cấp, các ngành, đoàn thể và các cơ quan, đơn vị cần xác định, nêu cao vai trò, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT.
Các lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm TTATGT. Rà soát, kiến nghị khắc phục các bất cập, bất hợp lý về giao thông. Khảo sát, lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp về TTATGT; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, biển báo, hướng dẫn ở các khu vực có mật độ giao thông cao, trước các khu vực trường học. Xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát và xử lý vi phạm về TTATGT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Long An - Nguyễn Minh Lâm chỉ đạo thủ trưởng các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch, giải pháp kéo giảm TNGT. Đặc biệt, những địa phương có TNGT xảy ra nhiều phải nghiêm túc phân tích, làm rõ những hạn chế, tồn tại để có hướng khắc phục.
“Các ngành liên quan khẩn trương hoàn thành các phần việc còn lại để sớm đưa hệ thống camera "phạt nguội" của tỉnh vào hoạt động. Thực hiện công tác bảo đảm TTATGT tuyệt đối không làm "khơi khơi" mà phải chủ động, quyết liệt, có kế hoạch, giải pháp bài bản, phân công nhiệm vụ cụ thể mới đạt hiệu quả cao” - ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh./.
Theo Báo Long An