An toàn giao thông trong và ngoài trường học đối với học sinh luôn là vấn đề được cơ quan chức năng và toàn xã hội quan tâm. Đầu mỗi năm học, các nhà trường đã tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh, học sinh và nhà trường về chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Thế nhưng, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra, gây hậu quả đau lòng cho gia đình và toàn xã hội.
Ảnh minh họa
Tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn diễn biến phức tạp, phổ biến là các vi phạm như: phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; học sinh trung học phổ thông điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe...
Chính bởi vậy, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng văn hóa giao thông. Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giảng dạy kiến thức về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng thực hành điều khiển phương tiện đối với lứa tuổi học sinh được phép sử dụng xe gắn máy theo quy định của pháp luật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung, hình thức giáo dục, giảng dạy về TTATGT cho học sinh các cấp; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai Kế hoạch hành động về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” đối với học sinh trên phạm vi toàn quốc; tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của địa phương; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, chính quyền địa phương, gia đình để quản lý học sinh trong việc chấp hành các quy định về TTATGT.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng về tai nạn giao thông tại lứa tuổi học sinh, một trong số đó phải kể tới nhận thức của các em chưa được nâng cao. Vấn đề đặt ra chính là làm thế nào để tăng cường ý thức tham gia giao thông cho các em, tăng cường nhận thức ATGT cho các bậc phụ huynh.
Để thực hiện được điều đó, cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các bên liên quan: gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, chủ động hướng học sinh vào việc phát triển các kỹ năng nhận diện và đối phó một cách an toàn với các tình huống nguy hiểm là nhiệm vụ đặt ra hàng đầu trong công tác giáo dục ATGT cho học sinh trong nhà trường. Nhận diện và đối phó được với các tình huống nguy hiểm giúp các em hạn chế được tai nạn giao thông và các rủi ro khác khi tham gia giao thông.