Cụ thể hóa các giải pháp nâng cao ATGT cho người đi mô tô xe máy

Thứ tư, 12/02/2025 14:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng ngày 12/2, tại Hà Nội, Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và Phát triển cộng đồng tổ chức cuộc họp kỹ thuật với chủ đề chia sẻ các kinh nghiệm và cụ thể hóa các giải pháp nâng cao ATGT cho người đi mô tô xe máy tại Việt Nam.
Tham dự cuộc họp có ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Tư vấn sức khoẻ và phát triển cộng đồng (CHD), Vital Strategies và nhiều cơ quan tổ chức liên quan.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành phát biểu khai mạc cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay mô tô xe máy vẫn đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, với khoảng 77 triệu xe được đăng ký theo số liệu thống kê hết năm 2024. Một số nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng: Xe máy hiện nay đóng vai trò là phương tiện đi lại chủ đạo đối với phần lớn người dân tại Việt Nam. Trong tương lai (tới 2030 và những năm tiếp theo), khi thu nhập tiếp tục tăng thì khả năng cao xe máy sẽ vẫn được sở hữu và sử dụng.

Mặc dù là phương tiện đi lại chính và có nhiều ưu điểm nhưng xe máy cũng có những nhược điểm (độ tiện nghi, tính năng an toàn không cao như ô tô....). Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, xe máy có liên quan tới khoảng 65%-70% số vụ TNGT, tất nhiên, cần khẳng định không phải tất cả trong số đó xe máy đều là nguyên nhân, nhiều vụ việc trong số đó người đi xe máy là nạn nhân.

Chính vì sự phổ biến của xe máy và xu hướng sử dụng xe máy, cũng những đặc thù về giao thông vận tải tại Việt Nam, việc triển khai các giải pháp nâng cao ATGT cho xe máy là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn với hàng triệu người dân đang sử dụng phương tiện này hàng ngày và chắc chắn sẽ góp phần nâng cao ATGT tại Việt Nam.

Tháng 11/2024 vừa qua, Hội thảo Quốc tế về xe máy được tổ chức tại Việt Nam đã thu hút được nhiều tổ chức, nhiều diễn giả trong và ngoài nước, nhiều giải pháp, kinh nghiệm và sáng kiến hữu ích để tham khảo, nghiên cứu phát triển phù hợp với điều kiện Việt nam bên cạnh những thành công của các chiến lược, chính sách mà chúng ta đã kiên trì áp dụng trong những năm qua.

Thay mặt Ủy ban ATGT Quốc gia, Phó Chủ tịch chuyên trách Lê Kim Thành đánh giá cao nội dung của cuộc họp hôm nay, nhằm hệ thống hóa các thông tin và tăng cường các giải pháp nâng cao an toàn giao thông cho xe máy trong điều kiện Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ các kinh nghiệm và cụ thể hóa các giải pháp nâng cao ATGT cho người đi mô tô xe máy tại nước ta.

Phó Chủ tịch chuyên trách Lê Kim Thành cũng xin gợi ý các vấn đề để các đại biểu trao đổi, chia sẻ sâu hơn thông qua việc minh chứng, làm rõ và trả lời một số câu hỏi như: Những thách thức chính về an toàn mà người sử dụng xe máy phải đối mặt và chúng khác nhau như thế nào giữa các vùng miền và mức thu nhập? Làm thế nào cơ sở hạ tầng có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn với người sử dụng xe máy trong khi vẫn đảm bảo an toàn cho tất cả người tham gia giao thông? Làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ tốt hơn cho trẻ em được trở trên xe máy (dưới 6 tuổi)? Khu vực tư nhân đóng vai trò gì trong việc cải thiện/nâng cao độ an toàn của xe máy thông qua công nghệ của phương tiện, chương trình đào tạo và các quy định của ngành? Có những bài học gì từ các quốc gia đã thành công trong việc giảm thiểu va chạm, thương tật và tử vong đường bộ liên quan đến xe máy?.

“Từ kết quả thảo luận, tôi đề nghị đại diện các cơ quan có liên quan tiếp thu có chọn lọc các thông tin từ cuộc họp để triển khai áp dụng vào trong công việc của cơ quan đơn vị. Đồng thời đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục đồng hành tuyên truyền để nâng cao ATGT cho người đi xe máy” - Phó Chủ tịch chuyên trách Lê Kim Thành đề nghị.

Tại cuộc họp, các đại biểu nghe đại diện WHO Việt Nam trình bày một số vấn đề về An toàn xe máy trên thế giới; Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia khái quát một số thách thức về An toàn mô tô xe máy tại Việt Nam; Viện Chiến lược và Phát triển GTVT báo cáo tóm tắt kết quả Hội thảo quốc tế về ATGT xe máy tại VN 2024 và kết quả nghiên cứu Kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến ATGT xe máy; Cục Cảnh sách giao thông chia sẻ về các quy định mới đảm bảo ATGT cho mô tô xe máy…

* Cũng tại cuộc họp sáng nay, Ủy ban ATGT Quốc gia phát động chiến dịch tuyên truyền ATGT “đã uống rượu bia không lái xe” và "Không giao xe cho người chưa đủ điều kiện".

Người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định "Đã uống rượu bia không lái xe"

Thông điệp truyền thông của chiến dịch “Đã uống rượu bia – Không lái xe!” gửi gắm một lời nhắc nhở Pháp luật VN không cấm uống rượu bia, nhưng cấm lái xe khi đã uống rượu bia và gửi đi lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về cái giá phải trả cho một ly bia hay rượu nếu lái xe: “Chỉ một lượng nhỏ rượu bia cũng có thể làm suy giảm khả năng lái xe và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.” Lấy bối cảnh thực thi pháp luật, đoạn phim truyền thông nhấn mạnh hậu quả của việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, bao gồm phải đóng một mức phạt nặng và tước giấy phép lái xe tùy theo mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)