UBND tỉnh Tiền Giang vừa có Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết 48 ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương nâng cao trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT và phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, ATGT; tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn.
Hằng năm, tỉnh phấn đấu giảm 5% đến 10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông; giảm ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh Tiền Giang), Quốc lộ 60 (khu vực cầu Rạch Miễu).
Song song đó, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xác định nhiệm vụ về công tác bảo đảm trật tự, ATGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện thường xuyên và liên tục; cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.
Ảnh minh họa
UBND tỉnh Tiền Giang đã đề ra các giải pháp chủ yếu; trong đó, có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, ATGT, chống ùn tắc giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Đồng thời, lồng ghép mục tiêu ATGT, phòng, chống ùn tắc giao thông vào nội dung các đề án chiến lược, quy hoạch cấp tỉnh, thành phố, thị xã.
Các đơn vị bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa.
Ngoài ra, các ngành liên quan chú trọng việc kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, đặc biệt là trong các khu vực trung tâm nội ô thành phố, thị xã. Bên cạnh đó là kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông.
Cùng với đó là đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, ATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Đồng thời, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.