Sau một thời gian phát động cuộc thi viết "Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2014", Báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được rất nhiều bài dự thi, phản ánh hiện tượng mất ATGT, những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất giải pháp cho giao thông Thủ đô.
Sau một thời gian phát động cuộc thi viết "Vì an toàn giao thông Thủ đô năm 2014", Báo Kinh tế & Đô thị đã nhận được rất nhiều bài dự thi, phản ánh hiện tượng mất ATGT, những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất giải pháp cho giao thông Thủ đô.
Đặc biệt, có sự tham gia tích cực của rất nhiều học sinh tiểu học. Báo Kinh tế & Đô thị trích đăng một số ý kiến thể hiện quan điểm, góc nhìn của các em học sinh về vấn đề ATGT.
Học sinh cần đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ảnh: Anh Tuấn
Tuyên truyền trên mũ bảo hiểm
Đội mũ bảo hiểm là một trong những biện pháp bảo vệ tính mạng và phòng tránh những TNGT hiệu quả. Văn hóa đội mũ bảo hiểm không đơn thuần chỉ là đội để đối phó mà quan trọng hơn là ý thức người đội. Đội mũ bảo hiểm vì chính sự an toàn của bản thân, sau đó mới đến trách nhiệm với gia đình, xã hội. Hiện, mũ bảo hiểm đã trở thành vật dụng khá quen thuộc, đồng hành không thể thiếu với người điều khiển xe máy, xe máy điện, xe đạp điện… Vậy, tại sao không sử dụng chính những chiếc mũ bảo hiểm để tuyên truyền giao thông. Ví dụ, có thể khắc, in những thông điệp về ATGT lên mũ, gây tác động trực quan cho người đội mũ và những người khác, nhìn, đọc, ghi nhớ… Từ đó, vấn đề ATGT tự được lan truyền, nhân rộng.
Em Từ Khánh Ly-Trường Tiểu học Vân Tảo, huyện Thường Tín
Rõ ràng quy định, nghiêm khắc xử phạt sai phạm
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phải hết học kỳ I của lớp 1 mới đủ 6 tuổi. Vậy, quy định đội mũ bảo hiểm cho những trường hợp này như thế nào? Mặt khác, hiện nay, lực lượng chức năng hầu như chỉ tập trung xử lý người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm mà bỏ quên nhiều trường hợp học sinh, nhất là các em học sinh tiểu học đi cùng bố mẹ nhưng không đội mũ bảo hiểm. Hầu hết những trường hợp này khi bị dừng kiểm tra, các bậc phụ huynh chỉ bị nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết mà không thấy xử phạt. Thêm vào đó, các bậc phụ huynh thường hay nói rằng, con cái là tài sản lớn nhất của mình nhưng vẫn tiếc tiền mua mũ và chưa ý thức đội mũ bảo hiểm cho con cái khi tham gia giao thông. Do đó, cần có quy định rõ ràng hơn về độ tuổi đội mũ bảo hiểm. Đồng thời, có biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm để đảm bảo ATGT, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Em Nguyễn Hà Chi - Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình
Đội mũ bảo hiểm đúng cách
Một trong những việc để đảm bảo ATGT, đó là phải đội mũ bảo hiểm đúng cách. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người lơi là với việc đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đúng cách. Thậm chí, có những người đội mũ nhưng không cài quai, mũ có thể sẽ bị bay xuống đường, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông xung quanh. Đặc biệt, dây mũ đặt sai vị trí có thể siết vào vùng cổ, gây nguy hiểm khi xảy ra tai nạn. Thực tế, đã có không ít trường hợp bị gãy cột sống cổ và tử vong do dây mũ bảo hiểm siết vào cổ khi tai nạn xảy ra. Để hạn chế rủi ro trên đường đi, tránh nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh, việc đội mũ bảo hiểm đúng cách là cần thiết.
Em Nguyễn Đại Dương - Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy
Nâng cao ý thức của học sinh
Là thế hệ tương lai của đất nước, mỗi học sinh phải tự ý thức về trách nhiệm của mình trước vấn đề ATGT, bảo vệ tính mạng cho bản thân và người khác. Tích cực tham gia học tập luật giao thông tại trường, lớp. Bên cạnh đó, chủ động tìm hiểu, nắm vững các luật lệ, quy định đảm bảo ATGT. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATGT như đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy. Không sử dụng ô khi đi xe đạp, xe máy. Không lạng lách đánh võng, lấn chiếm làn đường, vượt đèn đỏ. Không lái xe khi chưa có giấy phép lái xe; dừng đỗ xe đúng nơi quy định; đi bộ sang đường đúng nơi quy định. Tăng cường ý thức giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật qua đường. Tuyên truyền luật giao thông với mọi người, bạn bè, thầy cô và gia đình. Tuy nhiên, để tăng tính tương tác, thay đổi ý thức, trong trường học cần tổ chức nhiều buổi chuyên đề tập huấn, xây dựng các hoạt động vui chơi, văn nghệ liên quan đến chủ đề giao thông. Chuyên đề cần nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi, sát thực, sinh động và phù hợp với lứa tuổi học sinh, để các em dễ dàng tiếp thu, hứng thú học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông.
Em Ngô Hiền Anh - Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng
Quan tâm giáo dục ATGT từ trường học
Quan tâm giáo dục về ATGT trong trường học để có một thế hệ mới thấu hiểu, tự giác chấp hành là một trong những giải pháp hữu hiệu giải quyết bất cập giao thông. Do đó, giải pháp cơ bản đồng bộ cần triển khai trước mắt cũng như lâu dài là phải đưa giáo dục giao thông vào trường học, với lộ trình lâu dài, tầm nhìn từ 10 - 20 năm. Ngoài ra, hàng tháng cần có thêm những buổi thực hành trên đường cho các em học sinh về ATGT, thậm chí để các em tham gia hướng dẫn điều khiển giao thông cùng lực lượng CSGT. Tuyên truyền mạnh trong nhà trường sẽ gián tiếp tác dụng đến phụ huynh học sinh, để người lớn nêu gương. Tuy nhiên, để tránh nhàm chán và tăng sức hút, khả năng tiếp thu của người shọc, cần có chương trình giáo dục đồng bộ, liên tục, sáng tạo để tác động được sâu, mạnh vào ý thức người tham gia giao thông.
Em Khuất Việt Hưng -Trường Tiểu học Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ
Nguồn: Kinh tế & Đô thị