Hải Phòng: Ngăn ngừa tai nạn giao thông đường thủy

Thứ ba, 19/11/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian gần đây, ở một số địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, khiến nhiều người thiệt mạng. Đây cũng là sự cảnh báo đối với an toàn giao thông đường thủy nội địa Hải Phòng những tháng cuối năm 2013.
Thời gian gần đây, ở một số địa phương liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng, khiến nhiều người thiệt mạng. Đây cũng là sự cảnh báo đối với an toàn giao thông đường thủy nội địa Hải Phòng những tháng cuối năm 2013.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Nhập nhoạng tối ngày 23-10, một vụ lật xuồng xảy ra trên khúc sông Măng, thuộc địa bàn ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), làm 7 phụ nữ thiệt mạng. Nguyên nhân ban đầu được xác định, chiếc xuồng này của vợ chồng ông Hồ Văn Thải và bà Nguyễn Thị Nê, ở xã Lộc An, vận chuyển người đi làm thuê về. Hôm đó, do trời tối, địa hình phức tạp, nước lớn, người trên xuồng đông, nên khi đến đoạn giữa sông Măng, xuồng vướng chướng ngại vật, bị thủng, nước tràn vào, xuồng bị chìm ngay sau đó. Một số người may mắn bơi vào bờ an toàn, còn lại 7 người bị đuối nước. Trước đó, ngày 16-9, xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá của ngư dân với tàu chở công-ten-nơ Sima Sapphire trên vùng biển cách thành phố Vũng Tàu 50 hải lý, khiến chiếc tàu cá gãy đôi, 8 người trên tàu thiệt mạng. Hai vụ tai nạn liên tiếp xảy ra khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng vì sự cố chìm tàu xảy ra hồi đầu tháng 8 vừa qua tại vùng biển Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), khiến 9 người chết.

Liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trong thời gian ngắn là lời cảnh báo đối với tình hình an toàn giao thông đường thủy. Với hệ thống giao thông đường thủy được đánh giá là đa dạng, phức tạp nhất miền Bắc, giao thông đường thủy Hải Phòng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Toàn thành phố có 26 tuyến giao thông đường thủy, với tổng chiều dài hơn 506km, trong đó có 17 tuyến quốc gia và 9 tuyến địa phương, đặc biệt có tuyến ven đảo Cát Bà dài 20,6km. Nhiều tuyến sông như Lạch Tray, Phi Liệt, sông đào 3km200, Bạch Đằng… tập trung nhiều phương tiện tham gia hoạt động giao thông vận tải đường thủy có địa hình quanh co, khúc khuỷu, lòng sông hẹp lại bị sa bồi, chưa được thường xuyên nạo vét, nên tình trạng mất an toàn ngày càng nghiêm trọng... Cùng với đó, luồng hàng hải đan xen với luồng đường thủy nội địa khiến giao thông phức tạp, dễ xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng khi các phương tiện chạy lấn luồng của nhau.

Ý thức người điều khiển phương tiện vẫn là quan trọng

Theo thiếu tá Bùi Anh Tuấn, Đội trưởng Đội tham mưu (Phòng Cảnh sát đường thủy): Những hành vi có khả năng dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy là chở hàng hóa quá khổ, quá tải, không bảo đảm trang thiết bị an toàn, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ theo quy định... Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy thành phố thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt, xử phạt để răn đe, giáo dục người vi phạm. Đồng thời, đơn vị kết hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật giao thông. Thực tế cho thấy, các phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, mô hình “Tuyến sông Cấm văn hóa, an toàn”, chương trình hành động “Vì sự an toàn trẻ em trên sông nước” được triển khai, nhân rộng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, nhất là ở những khu vực trọng điểm về trật tự, an toàn giao thông như xóm Chài ở phường Máy Chai (quận Ngô Quyền), Nhà máy xi măng Chinfon, Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện- Cát Hải... Do đó, trên địa bàn thành phố chỉ xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy trên tuyến sông Cấm. Nguyên nhân của các vụ tai nạn được xác định do va chạm giữa tàu biển và tàu sông chở vật liệu xây dựng, khiến 2 tàu sông bị chìm, cùng với gần 500m3 cát đen và 170m3 đá xây dựng. Cả 2 vụ tai nạn đều không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, trước tình hình đường thủy nội địa thành phố còn nhiều phức tạp, tại phiên họp thường kỳ tháng 9-2013, UBND thành phố đề ra nhiệm vụ cụ thể bảo đảm trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm 2013. Trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra các bến tàu, bến phà, đò ngang, đò dọc trên sông và các phương tiện vận chuyển hành khách đường thủy, nhất là các phương tiện vận chuyển khách tuyến Hải Phòng- Cát Bà… Các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý tàu thuyền, cấp phép rời cảng, bến; kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, nhất là trong vận chuyển hành khách. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông đường thủy nội địa của người dân, qua đó kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy, bảo đảm bình yên sông nước.

Năm 2013, Phòng Cảnh sát đường thủy kiểm tra, xử lý 1.287 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 2,3 tỷ đồng; phát hiện và bắt giữ 42 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, khai thác tài nguyên trái phép (chủ yếu là cát sỏi lòng sông); kết hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an toàn cho hơn 4.000 chuyến tàu khách với gần 12.000 lượt người; tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng có thời hạn đối với 33 trường hợp.



Nguồn: Báo Hải Phòng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)