Đà Nẵng: Các nút giao thông giảm tai nạn nhờ bê-tông hóa

Thứ sáu, 16/08/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại các nút giao thông lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường là các “điểm đen” về tai nạn giao thông (TNGT). Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do mặt đường tại các nút giao thông bị xuống cấp tạo “bậc thang” khiến các phương tiện giao thông rất khó khăn khi qua lại.
Tại các nút giao thông lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường là các “điểm đen” về tai nạn giao thông (TNGT). Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do mặt đường tại các nút giao thông bị xuống cấp tạo “bậc thang” khiến các phương tiện giao thông rất khó khăn khi qua lại.

Đã có một thời gian, tại ngã tư Cẩm Lệ (giao lộ Cách mạng Tháng Tám - Ông Ích Đường) được người dân ở đây coi là “ngã tư tử thần”, vì thường xuyên xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng. Hầu hết các vụ TNGT xảy ra nơi đây có một “kịch bản” khá giống nhau là xe tải đâm thẳng vào mô-tô do không làm chủ được tay lái. Ngoài ra tại giao lộ này còn hay xảy ra kiểu TNGT không giống ai là khi xe tải gặp đèn đỏ không dừng lại kịp nên bất ngờ leo lên vỉa hè.

Còn tại các vòng xoay hai đầu cầu Tiên Sơn cũng được xếp vào “điểm đen” với trung bình mỗi năm xảy ra từ 5-7 vụ TNGT và hàng chục vụ va quẹt. Đỉnh điểm là trong 9 tháng đầu năm 2011, tại hai đầu cầu này đã xảy ra đến 9 vụ TNGT.

Thường các nút giao thông lớn là tuyến hoạt động chính của các loại xe vận tải loại lớn và xe container với tải trọng từ 20 đến 40 tấn. Tuy nhiên, theo các kỹ sư cầu đường, hiện nay quy chuẩn xây dựng các tuyến đường của thành phố chỉ có lớp nhựa đường dao động ở mức 10-20cm (tùy tải trọng đường), đủ sức chịu tải với xe chở tải trọng dưới 30 tấn và di chuyển với tốc độ ổn định. Thế nhưng, trên thực tế xe chở quá tải lại rất phổ biến, và khi đi vào các nút giao thông các xe tải này thường hãm phanh đột ngột, tạo lực rất lớn tác động lên mặt đường làm cho mặt đường bị biến dạng.

Xuất phát từ thực tế này, từ năm 2011, Sở GTVT thành phố chọn nút giao thông tại ngã tư Cẩm Lệ để bê-tông hóa, nhằm giải quyết bài toán “bậc thang”. Với giải pháp kỹ thuật bóc tách toàn bộ lớp nhựa đường (dày khoảng 20cm) sau đó tiếp tục nạo vét hết lớp đá cấp phối sâu từ 20-30cm nữa. Sau khi gia cố phần móng thật chắc thì đổ bê-tông với độ dày từ 40-50cm tại những vị trí này. Với cách làm này, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, mặt đường không xuất hiện “bậc thang”, nhờ vậy các phương tiện qua nút giao thông này cũng an toàn hơn, không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào, không còn tình trạng xe tải leo lên vỉa hè như trước đây. Từ kết quả này, Sở GTVT đã tiến hành bê-tông hóa đoạn đường dẫn từ cầu vượt Hòa Cầm nối vào quốc lộ 1A. Tại vị trí này hằng ngày có rất nhiều xe tải nặng qua lại nên xuống cấp rất nặng, mặt đường bị đẩy xô lệch tạo thành những hình gợn sóng khá lớn, rất nguy hiểm cho người đi đường. Từ khi mặt đường tại khu vực này được bê-tông hóa đã giảm đáng kể số vụ TNGT.

Sau việc bê-tông hóa thành công tại ngã tư Cẩm Lệ và ngã ba đường dẫn cầu vượt Hòa Cầm với quốc lộ 1A, ngành giao thông thành phố đã tiến hành bê-tông hóa một số nút giao thông bị xuống cấp nặng ở các đầu cầu như nút giao thông phía đông cầu Tiên Sơn, nút giao thông đầu cầu Nguyễn Tri Phương, nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý... Nhờ vậy, thời gian gần đây tình trạng TNGT và các vụ va quẹt của các phương tiện tại các nút giao thông này đã giảm đáng kể. Theo anh Lê Thành Trung, tài xế xe container thường xuyên chạy tuyến cảng Đà Nẵng - Điện Ngọc, từ khi các nút giao thông này được cải tạo bằng bê-tông thì việc đi lại trở nên thuận lợi và an toàn hơn.

Mặc dù vậy, theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn thành phố còn khá nhiều nút giao thông lớn xuất hiện tình trạng “bậc thang” như nút giao thông phía đông cầu Trần Thị Lý, nút giao thông Yết Kiêu - Nguyễn Phan Vinh, nút giao thông Ngô Quyền - Nguyễn Công Trứ... nhưng chưa được cải tạo. Trong khi đó tại một số nút giao thông như nút giao thông phía đông cầu Tiên Sơn, nút giao thông đầu cầu Nguyễn Tri Phương... mới chỉ bê-tông hóa được khoảng 2/3 vòng cung quanh vòng xuyến này. Điều này khiến cho phần chưa được bê-tông hóa xuất hiện những vết lõm ngày một rõ dần. Nếu trong thời gian đến không được bê-tông hóa hoàn toàn thì chính vị trí này sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông qua lại.

Thực tế chứng minh, trong thiết kế, từ nay ngành giao thông nên thay thảm nhựa bằng bê-tông tại các nút giao thông lớn, vừa tiết kiệm được kinh phí lại vừa bảo đảm an toàn giao thông.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)