TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông

Thứ ba, 11/06/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo đánh giá mới đây của UBND TP. Hồ Chí Minh, những diễn biến gần đây cho thấy kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn mặc dù có chuyển biến nhưng chưa bền vững.
Theo đánh giá mới đây của UBND TP. Hồ Chí Minh, những diễn biến gần đây cho thấy kết quả đạt được trong thời gian qua về công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn mặc dù có chuyển biến nhưng chưa bền vững.

Sự chưa bền vững này đã bộc lộ qua những số liệu thống kê sau đây: số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra còn nhiều, số người tử vong do tai nạn giao thông còn cao, tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm còn xảy ra khá phổ biến, tai nạn giao thông về đường sắt và đường thủy nội địa vẫn tiềm ẩn nguy cơ, công tác quản lý trật tự lòng lề đường tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao.

Để có thể hoàn thành mục tiêu trong năm 2013 kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên cả ba mặt: số vụ việc, số người bị thương và số người chết, trong những tháng còn lại của năm nay, TP đã yêu cầu các đơn vị chức năng, trực thuộc thực hiện quyết liệt và đồng bộ hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách.

Trong số này, đáng chú ý là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện nếp sống văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông và trong cộng đồng. Một biện pháp đáng chú ý khác: tăng cường tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, chấn chỉnh trật tự đô thị và lập lại trật tự lòng lề đường.

Hai lực lượng nòng cốt đảm nhiệm khâu tăng cường tuần tra, xử lý là Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Lực lượng công an được yêu cầu tổ chức lực lượng tăng cường làm nhiệm vụ điều hòa, kiểm soát giao thông khép kín trong ngày và các giờ cao điểm tại các giao lộ, các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông hoặc các cung đường đen, các điểm đen giao thông.

Trong khi đó, Thanh tra giao thông cũng được yêu cầu thường xuyên kiểm tra, xử lý kiên quyết tình trạng xe chở hàng vượt quá tải trọng của xe, xe chở vật liệu, san lấp làm rơi vãi vật liệu, đất cát xuống đường. Thanh tra giao thông sẽ xử lý nghiêm các phương tiện chở quá tải, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị hoặc thiếu dụng cụ cứu sinh; xử lý triệt để các bến thủy nội địa hoạt động trái phép trên địa bàn thành phố. Thanh tra giao thông cũng sẽ tập trung kiểm tra công tác thi công các công trình trên đường bộ đang khai thác, trên các tuyến đường thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Trọng trách nhiều, loại hình công tác đa dạng vì thế lực lượng Thanh tra giao thông cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn nhằm đảm bảo không để xảy ra tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cụ thể, áp dụng biện pháp luân chuyển địa bàn hoạt động của Thanh tra giao thông song song với nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng này, trong đó ưu tiên hàng đầu đối với những cán bộ trực tiếp tuần tra kiểm soát.

Để giải quyết một bước vấn nạn ùn tắc giao thông, công tác lập lại trật tự, kỷ cương đường phố được xác định giữ vai trò hàng đầu. Nguyên tắc đặt ra là phải đảm bảo và thực hiện nghiêm chủ trương “vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường dành cho phương tiện lưu thông”. Để làm được điều này, Thanh tra giao thông, các khu quản lý giao thông đô thị sẽ phối hợp với chính quyền các quận huyện điều chỉnh các vị trí cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, giữ xe. Các trường hợp đậu xe dưới lòng đường, vỉa hè không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Các bến cóc, xe dù tại một số khu vực trọng điểm sẽ phải xử lý, xóa bỏ cũng như chấm dứt tình trạng xe khách liên tỉnh đi vào hoặc đi xuyên qua khu vực trung tâm thành phố. Rà soát, xem xét tính hợp lý của các trung tâm kinh doanh, siêu thị, trung tâm ngoại ngữ, trường học, tụ điểm đông người có khả năng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông để có biện pháp khắc phục.

Chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cũng ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Sở Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm chỉ đạo các nhà đầu tư, đơn vị trực thuộc hoàn thành đúng tiến độ các công trình khắc phục, duy tu, sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật… nhằm đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ giao thông thông suốt.

Trong thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khảo sát, tổ chức lại giao thông tại các giao lộ thường xuyên bị ùn ứ, ưu tiên bố trí làn rẽ phải liên tục tại các giao lộ để tăng năng lực thông xe…

Nguồn: Báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)