UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch về Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, thành phố tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn TP; hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với vùng TPHCM; phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên giao thông công cộng sức chở lớn; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, kéo giảm tai nạn giao thông. Huy động nguồn vốn để tập trung đầu tư xây dựng đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị (metro, tramway, monorail) và các công trình giao thông tĩnh (bến xe, bãi đậu xe…).
Phát triển mạnh và nâng cao năng suất các phương tiện vận tải hành khách công cộng; từng bước giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân và thay bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư từ ngân sách đối với các nút giao thông quan trọng của như: ngã tư Hàng Xanh; bùng binh Cây Gõ; các vòng xoay Dân chủ, Phú Lâm, An Lạc, Lăng Cha Cả; nút giao Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng; các ngã tư An Sương, Bình Phước, Bốn Xã; các nút giao trên đường Nguyễn Văn Linh. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường Vành đai số 2, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, Liên tỉnh lộ 25B, cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Long, cầu Rạch Tra, cầu Bình Khánh...
Xây dựng kế hoạch tổ chức giao thông tổng thể các khu vực của thành phố trong giai đoạn 2011 - 2015, tiến độ hoàn thành đưa vào sử dụng các trục giao thông chính, huyết mạch đang tổ chức triển khai xây dựng. Điều chỉnh pha đèn và thời gian đèn hợp lý đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông; thực hiện bố trí đèn rẽ phải, rẽ trái liên tục trong khu vực trung tâm, nghiên cứu lắp đặt biển báo cấm rẽ trái, rẽ phải tại các giao lộ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông do xe rẽ trái hoặc rẽ phải gây ra; nghiên cứu, thực hiện việc thay thế dần các biển báo hiệu hiện hữu theo tiêu chuẩn mới.
Bố trí nguồn kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng hàng năm để thực hiện công tác khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông, điểm ùn tắc giao thông. Triển khai lắp các biển báo cấm dừng, đậu xe tại các khu vực, địa điểm tập trung quá đông người như nhà hàng tiệc cưới, siêu thị, trung tâm thương mại, trường quốc tế… trong các giờ cao điểm sáng, chiều trên các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
SGGP