Hà Nội: Công ty quản lý xích lô vi phạm có thể bị rút giấy phép
Thứ năm, 02/06/2011 00:00
Vấn đề nên hay không việc “khai tử” xích lô đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm vì đây không chỉ là phương tiện đi lại tồn tại từ rất lâu mà còn được coi là nét văn hoá. Tại cuộc họp giao ban chiều 31-5, lãnh đạo của Sở Công an Thành phố Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải đều khẳng định, bây giờ TP Hà Nội chưa bỏ xích lô nhưng quản lý chặt để tránh tình trạng mất mỹ quan, an toàn giao thông do xích lô “dù gây ra.
Vấn đề nên hay không việc “khai tử” xích lô đang là vấn đề nóng được dư luận quan tâm vì đây không chỉ là phương tiện đi lại tồn tại từ rất lâu mà còn được coi là nét văn hoá. Tại cuộc họp giao ban chiều 31-5, lãnh đạo của Sở Công an Thành phố Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải đều khẳng định, bây giờ TP Hà Nội chưa bỏ xích lô nhưng quản lý chặt để tránh tình trạng mất mỹ quan, an toàn giao thông do xích lô “dù gây ra.
Siết chặt xử lý xích lô “dù”
Theo Giám đốc Sở Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, những năm qua TP đã tiến hành cấm xe xích lô bình thường, chỉ cho xích lô phục vụ du lịch đám cưới tồn tại. “Dù đã có nhiều ý kiến khác nhau bàn đến chuyện bỏ hoặc không bỏ xích lô du lịch, nhiều ý kiến đồng ý bỏ vì lỗi thời cồng kềnh, gây cản trở giao thông còn nhiều ý kiến lại không đồng tình bỏ xích lô vì đó nét văn hóa của Việt Nam… nên xích lô du lịch vẫn tồn tại đến bây giờ”.
Theo số liệu thống kê từ Phòng Cảnh sát Giao thông, CATP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP chỉ có 264 xe xích lô thuộc bốn doanh nghiệp quản lý là đủ điều kiện hoạt động. Thế nhưng, số xích lô “dù” đang hàng ngày hoạt động lại lên tới cả nghìn chiếc. Đối với xích lô có đăng lý, việc xử lý đã gặp khó, nhưng với xe “dù” còn khó hơn bởi hàng chục cuộc thanh kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành mới chỉ phát hiện và bắt giữ được vài chục chiếc. Bởi theo một thanh tra giao thông, khi nghe ngóng thấy TP tăng cường xử lý xích lô vi phạm, xích lô “dù” đã tìm mọi cách lẩn tránh và tạm thời ngừng hoạt động.
Theo quy định, người hành nghề xích lô phải được cấp chứng chỉ, phải có tay nghề, hoạt động theo đúng quy định về bến bãi, số khách, tuyến phố, số giờ và mỗi đoàn đi không quá năm xe. Nhưng qua kiểm tra những người này lại thường cho người ngoại tỉnh thuê lại dẫn tới hiện tượng chèo kéo khách, gây mất mĩ quan đô thị. Trong đợt kiểm tra mới đây, phát hiện 40 trường hợp người điều khiển không đúng chủ xe, hiện tạm giữ 84 xe trong đó 81 xe không có biển không có giấy tờ, xử phạt hành chính 250 triệu đồng.
Ông Nhanh cũng khẳng định, đối với những xe có hành vi vi phạm cần phải được kiểm tra, xử lý chặt, 264 xe xích lô có đăng kí phải bảo đảm đi đúng lộ trình tuyến đường, điểm đỗ. Các doanh nghiệp quản lý đội ngũ này nếu có vi phạm sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ hoạt động.Xe xích lô vi phạm có thể bị thu giữ xử lý.
Nhiều người cho rằng, trong tương lai xe điện du lịch xanh nên thay thế dần xích lô vì về lâu dài việc hoạt động loại xe này sẽ bảo đảm an toàn cho môi trường TP. Thế nhưng, mặc dù đã có xe điện hoạt động trên 28 tuyến phố song số lượng khách đi không nhiều, khách nước ngoài chiếm 30%, Việt Nam 70%.
Sẽ chỉ được đi bộ trong phố cổ, quanh hồ Gươm
Vấn đề tổ chức giao thông trên các tuyến phố cổ hiện rất khó khăn vì hạ tầng giao thông tại đây yếu kém trong khi phương tiện lại phát triển với tốc độ nhanh. Thời gian qua, đã có rất nhiều chuyên gia tham gia để tổ chức giao thông khu vực này nhưng đề án đó chỉ có thể áp dụng được trong một thời gian sau lại sai, phải điều chỉnh lại.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc sở GTVT, cần nghiên cứu điều tra tính toán thật kĩ các tuyến phố cổ mới đưa ra phương án tổ chức giao thông hợp lý, và chắc chắn dân có đồng tình thì dự án mới triển khai. “Phương án hợp lý là vừa bảo đảm giao thông, vừa hài hòa cuộc sống người dân, vì tính điểm xe buýt đặt ở đâu cũng không đơn giản. Mục tiêu các nhà quản lý là phục vụ nhân dân”, ông Hùng nói.
Về việc đi bộ trên các tuyến phố cổ, ông Nhanh cho rằng, việc này chỉ được thực hiện tốt khi có các điểm đỗ xe buýt, điểm đỗ taxi, các điểm trông giữ xe máy, ô-tô hợp lý. Như vậy vừa bảo tồn được phố cổ vừa tăng doanh thu từ dịch vụ bán hàng.
Trước mắt, UBND TP đang xem xét đề nghị về việc tiến hành thí điểm đi bộ cả ngày chung quanh hồ Hoàn Kiếm đến Hàng Ngang, Hàng Đào vào ngày thứ bẩy, chủ nhật và ngày lễ (dự kiến một đến hai tháng tới sẽ thực hiện). Việc thí điểm này không những bảo đảm giao thông mà còn bảo tồn các di sản văn hóa phố cổ, hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Những khu di tích cần gìn giữ thì không thể cho bất kỳ phương tiện nào vào cũng được.
TRONGPV (Theo Báo Nhân Dân)
Phùng Văn Trọng