"Tổng thiệt hại các mặt (tiêu thụ nhiên liệu nhiều, gây tai nạn, gây kẹt xe…) do xe máy gây ra khoảng 1,07 tỷ USD/năm, chiếm 11,2% GDP của TP.HCM, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM hàng năm (10%)", tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách Khoa TP.HCM) nói.
Theo số liệu thống kê mới nhất của sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, tính đến cuối tháng 6.2011, toàn địa bàn thành phố có gần 5,2 triệu phương tiện. Trong đó, ôtô là 467.258 chiếc và xe máy là hơn 4,7 triệu chiếc.
Theo sở này, chỉ tính riêng sáu tháng tính từ 1.12.2010 đến 31.5.2011, trên toàn địa bàn TP.HCM có 196.449 phương tiện đăng ký mới, bình quân mỗi thắng thêm 30.000 đầu xe. So với những năm trước đó, con số bình quân này ngày càng tăng.
Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (trường Đại học Bách Khoa TP.HCM) nhận định, việc gia tăng các phương tiện cá nhân (đặc biệt xe gắn máy) khiến TP.HCM ngày càng vấp nhiều khó khăn. “Tổng thiệt hại các mặt (tiêu thụ nhiên liệu nhiều, gây tai nạn, gây kẹt xe…) do xe máy gây ra khoảng 1,07 tỷ USD/năm, chiếm 11,2% GDP của TP.HCM, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TP.HCM hàng năm (10%). Điều này cho thấy, việc sở hữu và đi lại bằng xe gắn máy đang kéo giảm đà tăng trưởng của TP.HCM. Do đó, việc giảm xe cá nhân là để tăng chất lượng cuộc sống của người dân TP.HCM”, tiến sĩ Phạm Xuân Mai cho biết.
Trước sự gia tăng chóng mặt và tác hại của các phương tiện cá nhân, từ năm 2002, TP.HCM đã giao sở GTVT TP.HCM chủ trì, nghiên cứu thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế xe cá nhân. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, trong khi tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm xảy ra ngày càng nhiều, UBND TP.HCM phát động một số chương trình như vận động người dân sử dụng phương tiện công cộng… thì lộ trình hạn chế xe cá nhân vẫn chưa thấy gì cụ thể trong khi xe công cộng thì ngày càng xa người dân.
Tuy nhiên, mới đây ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM khóa VII vừa rồi nói:“Việc phát triển các phương tiện cá nhân người dân không có lỗi gì cả, ngoại trừ khi vi phạm luật giao thông. Chính chính quyền mới là người có lỗi đầu tiên và cao nhất khi để tình trạng giao thông tồi tệ như ngày nay với những yếu kém, những chậm trễ trong quản lý đô thị, trong phát triển giao thông công cộng, phát triển hạ tầng giao thông…”. Tuy vậy, ông ông Khoa cũng cho rằng, TP.HCM cần tập trung các giải pháp nhằm hạn chế xe cá nhân, xây dựng một lộ trình phát triển bền vững xe cá nhân ngay bây giờ.
Còn theo Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, dù đã muộn nhưng vấn đề trước mắt TP.HCM nên làm đó là áp dụng các giải pháp hạn chế xe cá nhân theo lộ trình và khu vực khác nhau, sao cho tỷ lệ tham gia giao thông trong dòng giao thông hỗn hợp xuống thấp dưới 50%. Đồng thời, phải tăng cường giao thông công cộng như việc xây dựng các tuyến xe buýt nhanh… mới mong cải thiện được tình hình giao thông ở TP.HCM.
Huyenhs (Theo SGGP)