Hà Nội đặt mục tiêu hết tắc đường vào năm 2030

Thứ tư, 21/04/2010 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sáng nay trong phiên khai mạc HĐND Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian giải quyết ách tắc giao thông vào năm 2030 là quá xa; giải pháp thành phố đưa ra cũng thiếu tính quyết liệt.

Sáng nay trong phiên khai mạc HĐND Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng, thời gian giải quyết ách tắc giao thông vào năm 2030 là quá xa; giải pháp thành phố đưa ra cũng thiếu tính quyết liệt.

HĐND Hà Nội đã dành trọn buổi sáng bàn thảo về chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố đến năm 2020.

Theo đó, GDP đầu người của Hà Nội đạt 5.300 USD vào năm 2020 và 11.000 USD vào năm 2030. Định hướng năm 2030 Hà Nội sẽ giải quyết ách tắc giao thông, quỹ đất dành cho giao thông đô thị chiếm 20% diện tích đất đô thị, chú trọng phát triển công trình ngầm, đường trên cao; năm 2015-2017 sẽ đưa vào vận hành ít nhất 2 tuyến đường sắt đô thị.

Tại hội trường, đại biểu Ngô Văn Ny cho rằng, định hướng đến năm 2030 không còn tắc nghẽn giao thông là quá xa. Việc lấy căn cứ diện tích nhà ở bình quân 23m2 một người để đánh giá đời sống người dân là không khả thi. Lý do là một bộ phận đầu cơ sở hữu nhiều nhà ở, trong khi nhiều người dân thủ đô phải thuê nhà.

Đại biểu Ngô Văn Ny: "Năm 2030 không còn tắc nghẽn giao thông là quá xa". Ảnh: Nguyễn Hưng.

Đại biểu Phạm Thị Thành nêu thực trạng ùn tắc giao thông tại nội thành, như Bệnh viện Phụ Sản, Nhi nằm trong một con phố nhỏ khiến nhiều phụ nữ sắp vượt cạn, trẻ em không vào bệnh viện được vì tắc đường.

"Trước mắt phải di chuyển các bệnh viện, trường đại học ra ngoài thành phố, lấy đất đó xây dựng bộ ngành, thay vì phải xây dựng mới tại Mỹ Đình hay lên Ba Vì", bà Thành nói.

Theo đại biểu Nguyễn Đức Tân, Hà Nội phấn đấu là đô thị sinh thái, môi trường trong sạch song chưa rõ giải pháp. "Vừa qua Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng cải tạo sông Tô Lịch, song nước vẫn không sạch. Do vậy, các biện pháp cải tạo môi trường cần được làm rõ hơn", ông Tân nói.

Đại biểu Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng đề án thiếu khả thi bởi số vốn 160 tỷ USD đầu tư phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020 là quá lớn, không thể huy động được. Nếu có tiền cũng không thể giải phóng mặt bằng để thực hiện số dự án khổng lồ.

"Khi các dự án triển khai theo quy hoạch, Hà Nội sẽ thành một công trường. Dân số tăng lên 15 triệu vào năm 2030 thì sẽ tạo ra cuộc di dân lớn. Chúng ta sẽ xây dựng một thủ đô to nhưng không mạnh, không bền vững về môi trường", ông Hanh băn khoăn.

Theo đại biểu Phạm Thị Loan, Hà Nội có nhiều hạn chế từ ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, khi mở rộng thành phố thì vấn nạn này càng tăng. Do vậy thành phố cần có giải pháp cụ thể, khi nào giải quyết được tình trạng ngập nước, hạ ngầm cáp điện, hết ùn tắc giao thông.

"Cần có một lộ trình cụ thể, có số liệu để thực thi được, phải là một đề án thực chứ không phải là bức tranh vẽ ra mà không thực hiện được", bà Loan phát biểu.

Cuối giờ, Nghị quyết của HĐND thành phố về chiến lược phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các đại biểu HĐND thông qua với 110 trên 159 phiếu tán thành.

Theo Phó chủ tịch HĐND Lê Quang Nhuệ, các ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được báo cáo đầy đủ tới Thủ tướng cùng với bản nghị quyết.

Theo Vnexpress.net

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)