Mặc dù trong năm 2009, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều nét sáng sủa hơn, song, nhìn vào con số thương vong 865 người và 531 người bị thương vẫn là con số đáng lo ngại…
Mặc dù trong năm 2009, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều nét sáng sủa hơn, song, nhìn vào con số thương vong 865 người và 531 người bị thương vẫn là con số đáng lo ngại…
Những nỗ lực kéo giảm TNGT
Năm 2009, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn Thủ đô cơ bản đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đặc biệt với công tác tuyên truyền, đã chủ động sáng tạo đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Ông Vũ Minh Tuấn – Giám đốc kênh VOV giao thông cho biết: “Việc cập nhật và truyền tải trực tuyến thông tin về tình hình TTATGT trên địa bàn TP qua sóng phát thanh VOV cho người tham gia giao thông biết, chủ động phòng tránh TNGT và ùn tắc giao thông bước đầu đã đạt kết quả tích cực".
Tai nạn giao thông từng bước được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết so với năm 2008 trên cả 3 tiêu chí. Tình trạng ùn tắc giao thông có nhiều chuyển biến tích cực, đã làm giảm số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông từ 124 xuống còn 58 điểm. Kết quả xử lý vi phạm của các đơn vị đã được tăng nhiều (tăng 71.093 t/h = 20,1%), tạo được tiếng vang, góp phần làm chuyển biến, nâng cao ý thức chấp hành Luật cho người tham gia giao thông, được nhân dân ủng hộ.
Ngay từ đầu năm 2009, CATP đã chủ động tham mưu cho Thành uỷ, UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai các biện pháp đảm bảo TTATGT, TTĐT; Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các Ban chỉ đạo 197, Ban An toàn giao thông Thành phố. Đã triển khai đồng bộ trên cả 03 lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.
Theo đánh giá, bước ngoặt lớn nhất khiến tình hình trật tự ATGT nói chung và TNGT nói riêng chuyển từ tình trạng gia tăng nghiêm trọng trong những tháng đầu năm sang liên tục giảm trong những tháng cuối năm chính là do những giải pháp cấp bách như bố trí lại lực lượng tại các tuyến, nút phù hợp với tổ chức giao thông mới để chủ động chống ùn tắc giao thông. Phối hợp với Thanh Tra giao thông tổ chức bố trí điều hành giao thông tại 43 nút giao thông trọng điểm trong toàn thành phố…
Ông Nguyễn Đức Kha - Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, qua khảo sát và ghi nhận thực tế, phần lớn người dân, lái xe cá nhân, lái xe taxi… đồng tình với cách làm hiện nay của ngành GTVT và Công an. Nhờ việc phân làn và tăng cường lực lượng để ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATGT, từ 124 điểm thường xuyên ùn tắc đến nay Hà Nội đã giải tỏa được 58 điểm.
Đây thật sự đã tạo nên một bước ngoặt thật sự đối với tình hình trật tự ATGT trong năm 2009. Minh chứng rõ nhất cho điều đó chính là kết quả của tình hình trật tự ATGT và TNGT trong những tháng đầu năm gia tăng nghiêm trọng đã từng bước được kiểm soát và giảm rõ rệt trong những tháng cuối năm.
Bài học quý giá
Với việc triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch công tác trên nên trong năm 2009, trên toàn thành phố chỉ xảy ra 1.207 vụ TNGT, làm chết 865 người, bị thương 531 người (So với năm 2008 giảm 14 vụ, giảm 3 người chết, giảm 12 người bị thương). Trong đó TNGT nghiêm trọng: 794 vụ, làm chết 865 người (giảm 9 vụ, giảm 3 người chết); TNGT ít nghiêm trọng: 413 vụ, làm bị thương 531 người (giảm 5 vụ, giảm 12 người bị thương).
Tuy nhiên, giao thông Hà Nội hiện vẫn còn nhiều bất cập về hạ tầng. Theo tính toán thì hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông toàn thành phố mới chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu thực tế. Trung bình toàn thành phố 1km đường chịu tải của 48,46 xe ô tô; 548,51 xe mô tô. Trong đó nội thành mỗi 1km đường chịu tải 107,3 xe ô tô và 646, 51 xe mô tô. Trong khi lượng phương tiện tiếp tục tăng nhanh (đăng ký mới 38.033 xe ôtô, 271.836 môtô, nâng tổng số phương tiện hiện đang quản lý là 302.293 ôtô, 3.649.315 môtô, chưa kể số phương tiện của các cơ quan Trung ương, quân đội và một lượng lớn phương tiện đăng ký ở các tỉnh hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Vận tải hành khách công cộng chủ yếu mới có xe buýt với 1.300xe/74 tuyến, tần suất 11.300 lượt/1 ngày. Các điểm đỗ xe hiện có 51 điểm/ 45 tuyến phố sức chứa 1.404 xe. Số phương tiện so với số điểm đỗ hiện có thì mới đáp ứng được 0,7%.
Theo lộ trình, trong giai đoạn 2010 - 2015, dự kiến Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng. Khi phương tiện công cộng dần đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhiều tuyến đường được sửa chữa, làm mới cùng với chính sách thành phố ban hành mang đặc thù riêng của Thủ đô, sự nỗ lực của liên ngành GTVT và công an, vấn về ùn tắc, TTATGT của Hà Nội sẽ được cải thiện hơn nữa.
Tuy nhiên để có thể làm được điều đó thì những người làm công tác bảo đảm ATGT cần rút ra những bài học sâu sắc của năm 2009, cần siết chặt công tác bảo đảm ATGT ngay từ thời điểm đầu năm mới, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, không để TNGT gia tăng đột biến. Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp của Nghị quyết 32 và đặc biệt là quy định bắt buộc đội MBH trên tất cả các tuyến đường cần được duy trì một cách quyết liệt và đồng bộ để tạo chuyển biến rõ rệt hơn đối với công tác bảo đảm ATGT và kiềm chế TNGT.
Đây thật sự là những bài học không hề cũ và có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo ATGT trong năm mới 2010.
Theo ANTĐ