Trước tình trạng ùn tắc giao thông triền miên, TP đã thừa nhận những yếu kém về hệ thống hạ tầng giao thông. Để giải bài toán này, UBND TP đã có lộ trình phát triển giao thông giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, sẽ tập trung phát triển đường và mạng lưới xe buýt công cộng.
Trước tình trạng ùn tắc giao thông triền miên, TP đã thừa nhận những yếu kém về hệ thống hạ tầng giao thông. Để giải bài toán này, UBND TP đã có lộ trình phát triển giao thông giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, sẽ tập trung phát triển đường và mạng lưới xe buýt công cộng.
Sẽ phát triển xe buýt
Báo cáo của TCty Vận tải Hà Nội cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2010, tổng lượng hành khách đi lại bằng phương tiện công cộng là 439,8 triệu lượt, trong đó xe buýt là 354,3 triệu lượt; taxi là 33,3 triệu lượt; phương tiện khác là 52,22 triệu lượt.
Đường vành đai ra cầu Thanh Trì cũng ùn tắc thường xuyên như trong nội đô. Ảnh: Q.H
Về phát triển vận tải hành khách công cộng, TP yêu cầu, trong khi chưa đưa vào sử dụng các tuyến xe điện metro, BRT và đường sắt đô thị thì giao thông công cộng bằng xe buýt vẫn là chủ yếu.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, TP sẽ tập trung hiện đại hoá hệ thống xe buýt hiện tại, phát triển, mở rộng các tuyến buýt mới về các quận, huyện xa trung tâm thành phố, các KCN, các KĐT mới để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Tập trung đầu tư hạ tầng giao thông
Trước tình trạng ùn tắc giao thông, TP cũng thừa nhận, do kết cấu hạ tầng GTVT của Hà Nội vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập như tỉ lệ quỹ đất dành cho GTVT thấp. Đặc biệt, chưa có tuyến vành đai nào hoàn chỉnh, nên phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách quá cảnh qua Hà Nội phải đi vào nội thành, tạo sức ép rất lớn lên hệ thống giao thông nội đô; các cầu vượt sông còn thiếu so với nhu cầu; hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe, thiếu về số lượng và kém về chất lượng phục vụ; công tác quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT còn nhiều bất cập, chưa khoa học và hiệu quả; vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, hiện tại chỉ có loại hình xe buýt thường...
TP cho biết, xác định phát triển giao thông ngoại thành là cần thiết, tác động trực tiếp đến vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Do đó, hằng năm ngân sách thành phố đã dành khoảng 3.000 tỉ đồng nhằm xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường.
Để từng bước khắc phục tình trạng cơ sở hạ tầng GTVT yếu kém và bất cập như hiện nay, TP và Sở GTVT sẽ tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, phải hoàn thành khép kín vành đai II, III và xây dựng đoạn qua Hà Nội của vành đai IV; tiếp tục xây dựng, mở rộng theo quy hoạch những trục đường chính đô thị quan trọng như các trục đông - tây (vành đai I); vành đai II, V; vành đai III, V; trục tây Thăng Long; trục Kiến Hưng - Kim Giang - Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch - ga Hà Nội; tuyến đường 70 (Văn Điển - Nhổn), đường gom phía đông đường cao tốc Pháp Vân - cầu Giẽ; trục Phú Diễn - Nam Thăng Long - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám; trục đê Hữu Hồng; trục Nguyễn Tam Trinh - Kim Ngưu - Lò Đúc; trục ga Hà Nội - Hào Nam - Núi Trúc - Đội Cấn - Hoàng Hoa Thám; đường Ngô Gia Tự; đường gom phía tây đường sắt QL1A cũ và quốc lộ 1A (Văn Điển - cầu Giẽ).
Ngoài ra, thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các giải pháp tổ chức giao thông tại một số nút và trên một số tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc.
Theo Laodong