Vi phạm an toàn đường sắt ở Hà Nội nghiêm trọng nhất cả nước
Đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700 km, nhưng đoạn tuyến Hà Nội - Hà Nam được liệt kê vào danh sách báo động đỏ về TNGT. Tình hình TNGT đường sắt và vi phạm hành lang ATGT đường sắt Hà Nội được liệt vào loại nghiêm trọng nhất cả nước.
Đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700 km, nhưng đoạn tuyến Hà Nội - Hà Nam được liệt kê vào danh sách báo động đỏ về TNGT. Tình hình TNGT đường sắt và vi phạm hành lang ATGT đường sắt Hà Nội được liệt vào loại nghiêm trọng nhất cả nước.
Địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc
Dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng về vụ tàu hỏa đâm ô tô ở cầu Ghềnh (Đồng Nai) làm 2 người chết và gần 30 người khác bị thương hôm mùng 4 Tết Tân Mão thì một vụ tai nạn giao thông (TNGT) khác lại xảy ra trên địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội) ngày 30/3 khi tài xế lái ô tô chở khách đi đám cưới cố vượt đường ray đúng thời điểm đoàn tàu Thống Nhất SE8 ập tới - vụ tai nạn khiến 9 người thiệt mạng và 11 người bị thương.
Trên thực tế, tàu hỏa là phương tiện giao thông đặc biệt được ưu tiên. Trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn hôm 30/3, tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ tín hiệu cảnh báo tàu đã được phát ra, điều này đồng nghĩa với việc tất cả các phương tiện khác phải nhường đường cho tàu hỏa đi qua, thế nhưng tài xế lái xe ô tô vẫn cố vượt qua đường ray.
Cũng trên cung đường sắt Hà Nội - Hà Nam, tháng 8/2010, tại địa phận huyện Duy Tiên (Hà Nam), 1 xe tải cố vượt đường ray là nguyên nhân khiến 3 toa tàu Thống Nhất bị lật, lái tàu bị thương nặng. Cuối tháng 11/2009, xe khách 30 chỗ chở một đám ăn hỏi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, đã bị tàu hỏa TN1 đâm làm 9 người tử vong.
Trao đổi với PV Dân trí, một vị quan chức có trách nhiệm về ATGT, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Đường sắt Bắc - Nam dài hơn 1.700 km, nhưng đoạn tuyến Hà Nội - Hà Nam được liệt kê vào danh sách báo động đỏ về TNGT đường sắt. Tình hình TNGT đường sắt và vi phạm hành lang ATGT đường sắt Hà Nội được liệt vào loại nghiêm trọng nhất cả nước”.
“Cuối năm 2010, ngành đường sắt đã đầu tư xây dựng hơn 500m đường gom từ Km 11+325 và KM11+820 thuộc địa phận thị trấn Ngọc Hồi (Hà Nội) để người tham gia giao thông đi vào đường gom có gác chắn và hạn chế lưu thông mất an toàn trên hành lang đường sắt.
Tuy nhiên, người tham gia giao thông không lưu thông trên đường gom mà tiếp tục đi theo những đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Rõ ràng ý thức tham gia giao thông của người dân quá thấp đã gây nên các vụ TNGT” - vị này phân tích.
Rõ ràng, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương và địa phương có thể làm được ngay như ngăn chặn vi phạm, xử lý hành vi lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, nhưng dường như họ vẫn đứng ngoài cuộc và cho rằng việc này là của ngành đường sắt và giao thông vận tải.
Còn người tham gia giao thông, có ý thức tuân thủ Luật giao thông sẽ bảo vệ sự an toàn cho chính mình, nhưng họ lại không tự giác làm điều đó.
“Người tham gia giao thông quá chủ quan”
Tại Hội nghị Tăng cường quản lý Chất lượng công trình giao thông năm 2011, ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT khẳng định: “Ngành giao thông đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm kiềm chế và giảm TNGT nhưng tai nạn vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông”.
Về sự hoàn chỉnh, đồng bộ của hạ tầng giao thông đường sắt, Tiến sỹ Khuất Việt Hùng - Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT trong một lần trả lời phỏng vấn Dân trí gần đây cho biết: “Sự đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông đường sắt tại Việt Nam chưa đúng tầm, không đúng với vai trò quan trọng đặc biệt trong hệ thống giao thông quốc gia trên Quốc lộ 1A huyết mạch. Đây là tồn tại của lịch sử và sự yếu kém của việc quản lý xã hội cũng như quy hoạch dân cư ở địa phương”.
“Vấn đề ở đây là trong một cơ chế rất thuận lợi về chính trị và đầu tư thì dường như đường sắt lại bị “bỏ quên” nên cơ sở hạ tầng rất kém. Tôi cảm thấy trong “cuộc chiến” về phòng chống tai nạn giao thông, ngành đường sắt rất đơn độc.
Tất cả mọi việc chỉ có thể là tương đối chứ không bao giờ đạt tuyệt đối. Luật giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt rất nghiêm ngặt nhưng người vi phạm Luật, coi thường Luật lại không ít. Ý thức của người tham gia giao thông quá kém” - Tiến sỹ Khuất Việt Hùng nhìn nhận.
Hiện nay, tình trạng mất ATGT đường sắt xảy ra phổ biến ở những khu đô thị, thị trấn thị tứ dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Đồng Nai. Vấn đề cam go này cần sự quan tâm đúng mức của các bộ ngành, địa phương về đảm bảo an toàn giao thông đường sắt…
Các nhà chức trách giao thông cho rằng những giải pháp trước mắt để đảm bảo ATGT đường sắt là cần sớm lập đường gom để tập trung lưu thông an toàn. Xóa bỏ những đường ngang bất hợp pháp, tự phát và hạn chế tối đa việc sử dụng những đường ngang không có người gác để gom người tham gia giao thông vào tuyến lưu thông an toàn.
Trên tất cả những đường ngang hợp pháp hiện có cần phải chú ý vấn đề vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt làm che khuất tầm nhìn.
Đối với chính quyền địa phương các cấp, phải phối hợp nghiêm túc với ngành đường sắt để không cho dân mở thêm đường ngang bất hợp pháp làm mất an toàn giao thông giữa đường sắt và đường bộ; tăng cường cưỡng chế, xử lý hành vi vi phạm về lấn chiếm sử dụng hành lang an toàn giao thông.
Người tham gia giao thông cần luôn luôn ý thức tuân thủ theo tín hiệu cảnh báo, đợi tàu đi qua theo đúng quy định khi lưu thông qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho xã hội.
Theo số liệu thống kê từ Vụ An toàn Giao thông (ATGT), Bộ Giao thông Vận tải, trong 3 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra 17 vụ TNGT đường sắt làm chết 17 người và bị thương 15 người.
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Hà Nam có chiều dài khoảng 40km. Đoạn từ Trung tâm TP.Hà Nội đến huyện Phú Xuyên có 98 đường ngang hợp pháp (trong đó có 56 đường ngang được lặp thiết bị cảnh báo tự động, 30 đường ngang có người gác và rào chắn, 12 đường ngang có biển báo) nhưng có tới 467 đường ngang dân sinh bất hợp pháp.
Lê Thanh Tùng (Theo dantri.com.vn)
Lê Thanh Tùng