Thời gian qua, việc thí điểm tổ chức phân làn cho các phương tiện cơ bản đã giải quyết được tình trạng tắc nghẽn, tê liệt giao thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các phương tiện, cùng với ý thức tham gia giao thông đang là thách thức lớn.
Thời gian qua, việc thí điểm tổ chức phân làn cho các phương tiện cơ bản đã giải quyết được tình trạng tắc nghẽn, tê liệt giao thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với sự gia tăng của các phương tiện, cùng với ý thức tham gia giao thông đang là thách thức lớn. Trong giai đoạn 2010 - 2015, những giải pháp đồng bộ cùng với ưu tiên vận tải hành khách công cộng, tình hình TTATGT của Hà Nội sẽ sáng sủa hơn.
|
Sự gia tăng phương tiện khiến cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp là bài toán khó đối với các đô thị phát triển - Ảnh: Phú Khánh |
Theo đánh giá của Ban ATGT thành phố (Sở GTVT Hà Nội), từ khi liên ngành Công an và GTVT tổ chức lại nhiều tuyến đường, cắt, xén, mở, bịt… và chỉnh sửa, nắn đường, giao thông Hà Nội đã được thông thoáng hơn. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của nhiều người điều khiển phương tiện kém, điều khiển phương tiện theo thói quen, không quan sát, tuân thủ theo tín hiệu đèn, chỉ dẫn biển báo… và sự gia tăng phương tiện đang là thách thức lớn đối với giao thông Hà Nội. Hiện tại, việc xén hè, dải phân cách, phân làn đường cho các phương tiện là giải pháp tình thế hiện nay.
Về mỹ quan có thể bị ảnh hưởng nhưng khi đặt vào tình thế ùn tắc, vì sự đảm bảo ATGT, vì lợi ích kinh tế, tốc độ của phương tiện lưu thông thì đó là việc cần làm. Ông Nguyễn Đức Kha - Chánh văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, qua khảo sát và ghi nhận thực tế, phần lớn người dân, lái xe cá nhân, lái xe taxi… đồng tình với cách làm hiện nay của ngành GTVT và Công an. Nhờ việc phân làn và tăng cường lực lượng để ngăn chặn các hành vi vi phạm về ATGT, từ 124 điểm thường xuyên ùn tắc đến nay Hà Nội đã giải tỏa được 66 điểm.
Qua khảo sát, việc tổ chức lại giao thông nhiều tuyến đường, mặc dù phải đi vòng nhưng thời gian để qua những nút giao thông đã giảm đi đáng kể, tuyến Nguyễn Trãi-Trần Phú (Hà Đông) về trung tâm thành phố và ngược lại chỉ mất 45 phút thay cho trước đó phải mất cả tiếng đồng hồ; tuyến Trần Duy Hưng-Nguyễn Chí Thanh sau khi tổ chức lại giao thông đi từ khách sạn Deawoo đến Khuất Duy Tiến và chiều ngược lại chỉ mất 15 phút, giảm được 10 phút; sau khi tổ chức giao thông, đi từ Đê La Thành đến Khuất Duy Tiến và chiều ngược lại chỉ mất 20 phút, giảm được 10 phút. Điều này cũng làm giảm ô nhiễm và thiệt hại kinh tế.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Một số chuyên gia về giao thông Nhật Bản cho rằng, thập niên 70, Nhật Bản, đặc biệt là Thủ đô Tokyo cũng phải đối mặt với vấn đề giao thông như Hà Nội hiện nay. Đây là bài toán mà bất cứ đô thị phát triển nào cũng vấp phải, tình trạng di dân, rồi số lượng phương tiện tăng quá nhanh khiến hạ tầng không thể đáp ứng được. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề này không thể một sớm, một chiều. Thủ đô Tokyo phải mất 20 năm bền bỉ mới có thể giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, thiết lập được TTATGT.
Ông Hoshoya phụ trách An toàn giao thông thuộc Sở Xây dựng Tokyo cho biết, Tokyo có diện tích gần như Hà Nội. “Năm 1970, khi ấy tai nạn giao thông tại Tokyo là thảm hại, có 16.765 người chết, 602.156 vụ tai nạn giao thông. Để khắc phục, Chính phủ Nhật đã ban hành luật và xây dựng kế hoạch theo lộ trình 5 năm/lần và đặt ở mức cao nhất - “Chiến tranh với giao thông”. Nguồn để chi cho các giải pháp an toàn giao thông được thu từ thuế xăng. Nhờ nguồn thu này nên chúng tôi đã mạnh dạn “tạm ứng” trước tiền để xây dựng hạ tầng giao thông.
Việc xén hè, nắn đường, chặt cây xanh, giải tỏa được thực hiện… Về mỹ quan đô thị phải chấp nhận việc này, vấn đề ATGT được đặt lên hàng đầu. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, kèm theo đó là việc nâng cao ý thức chấp hành luật pháp, phổ biến ATGT trong các trường học và xử lý nghiêm túc những vi phạm… Kết quả phải đến đầu những năm 1990 tai nạn, ùn tắc giao thông tại Tokyo mới giảm rõ rệt. Năm 2009, Tokyo đã có gần 5 triệu ôtô, nhưng tai nạn chỉ khiến 218 người chết.
Thực tế kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần thay đổi một chút từ hệ thống giao thông như xén hè đường, nắn lại làn giao thông cũng sẽ tránh được tai nạn và ùn tắc giao thông… điều này không phải ai cũng nhận ra và khó có thể định lượng được. Vấn đề ATGT luôn nảy sinh những bất cập mới, và vấn đề ATGT của Hà Nội cũng vậy. Hiện tại, Tokyo tạm thời hài lòng về hệ thống giao thông của mình, nhưng đang phải đối mặt với tình trạng tai nạn giữa xe đạp và người đi bộ… vì lòng đường dành cho phương tiện cơ giới, xe đạp và người đi bộ sử dụng vỉa hè”, ông Hoshoya nói.
Việc lập lại trật tự ATGT không thể một sớm một chiều, đối với hệ thống giao thông của Hà Nội theo kinh nghiệm của thành phố Tokyo, ông Hoshoya cho rằng, các giải pháp về giao thông không phải giải pháp nào cũng đúng, có những giải pháp không phù hợp là việc bình thường, tuy nhiên người làm giao thông phải biết chấp nhận sửa sai. Đối với các ngành liên quan cần có nhìn nhận đúng đắn, công bằng, khách quan. Quan trọng nữa, đó là người tham gia giao thông hàng ngày phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và thấy được lợi ích của mình trong đó.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, dự kiến Hà Nội sẽ ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng. Khi phương tiện công cộng dần đáp ứng được yêu cầu xã hội, nhiều tuyến đường được sửa chữa, làm mới cùng với chính sách thành phố ban hành mang đặc thù riêng của Thủ đô, sự nỗ lực của liên ngành GTVT và công an, vấn về ùn tắc, TTATGT của Hà Nội sẽ được cải thiện hơn nữa.
Theo Báo ANTD.