Đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 124 điểm thường xuyên xẩy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ–CP của Chính phủ và Kế hoạch số 30/KH – UBND ngày 03/12/2008 của UBND thành phố, ngày 31/3/2009 Liên ngành Công an Thành phố - Sở Giao thông Vận tải đã có phương án 275/PAPHLN/CATP – GTVT tập trung biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông, xử lý các vi phạm.
Đầu năm 2009, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 124 điểm thường xuyên xẩy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Để giảm thiểu ùn tắc giao thông, thực hiện Nghị quyết 16/2008/NQ–CP của Chính phủ và Kế hoạch số 30/KH – UBND ngày 03/12/2008 của UBND thành phố, ngày 31/3/2009 Liên ngànhCông an Thành phố - Sở Giao thông Vận tải đã có phương án 275/PAPHLN/CATP – GTVT tập trung biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giao thông đô thị, hạn chế ùn tắc giao thông, xử lý các vi phạm.
Sau gần 3 tháng thực hiện, Hà Nội đã tổ chức, phân luồng lại tại nhiều nút giao thông trọng điểm của thành phố. Lực lượng liên ngành giao thông – công an đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông, chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ và đạt kết quả cao trong việc kiểm tra, xử lý cưỡng chế vi phạm. Kết quả là đã hạn chế và xóa bỏ được 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, từng bước quản lý chặt chẽ và lập lại trật tự tại các điểm trông giữ phương tiện, xử lý kiên quyết các trường hợp dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn 1 tính từ (02/4 đến 20/5/2009), Liên ngành Công an Thành phố - Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức lại giao thông tại 11 nút, tuyến giao thông: Tôn Thất Tùng – Trường Chinh; Bưởi – Hoàng Quốc Việt; Cầu Giấy – Nguyễn Khang; Tôn Đức Thắng – Nguyễn Thái Học, Hoàng Quốc Việt – Phạm Văn Đồng, Cống Mọc – Đường Láng; đầu cầu Diễn đến chợ Cầu Diễn; Lê Thanh Nghị - Giải Phóng; Đào Tấn; An Dương – Yên Phụ; Văn Cao – Hoàng Hoa Thám – dốc La Pho.
Nút An Dương – Yên Phụ - Nghi Tàm – Đường Thanh niên
đã thông thoáng hơn
Trong giai đoạn 2 từ nay đến (25/5 đến 10/6/2009), Hà Nội đã tổ chức lại 7 tuyến, nút giao thông gồm: tuyến đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (Hà Đông), tuyến đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, tuyến đường Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân (từ nút Kim Liên đến Lò Đúc), tuyến đường Giải Phóng (từ Phố Vọng đến Kim Đồng, tuyến đường Kim Mã (từ Ngọc Khánh đến Bến xe Kim Mã, nút giao thông Liễu Giai – Đào Tấn và tuyến đường Tây Sơn (đoạn từ Đặng Tiến Đông đến Khương Thượng).
Liên ngành giao thông – công an thành phố đã bố trí lực lượng phối hợp tổ chức phân luồng, giảm thiểu tối đa tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều điểm. Tại các nút trọng điểm có tối thiểu 2 đồng chí CSGT và 1 đồng chí thanh tra giao thông để điều hành, hướng dẫn giao thông. Bố trí 35 chốt trực từ 6h30 đến 9h00 và từ 16h00 đến 19h30, 4 chốt trực đến 20h00 hàng ngày và 1 chốt Cầu Tó thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ.
Người tham gia giao thông đều có một nhận xét chung là tình trạng ùn tắc đã giảm đi đáng kể. Việc đi lại vào các giờ cao điểm không còn là nỗi “sợ hãi” của người dân như trước đây.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập khi tổ chức, phân luồng tại 1 số nút giao thông: đó là phần đường dành cho người đi bộ; hệ thống đèn tín hiệu bị bỏ không, rất lãng phí, trong khi chúng ta đã đầu tư một khoản kinh phí đáng kể cho hệ thống đèn tín hiệu này.
Bác Lê Quang Ánh, một người lái xe ôm, nhận xét: “Sau khi phân luồng giao thông lại các tuyến đường của Hà Nội tôi thấy rất là hay. Sự ùn tắc đã giảm đi rất nhiều. Chỉ có điều nếu nói về người đi bộ thì hơi khó vì giờ người đi bộ sang đường bằng cách nào. Những chỗ đã đặt giải phân cách thì không thể sang được, mà phải đi xuống dưới khoảng 100m người ta mới mở lối sang. Mà chỗ đó thì vẫn chưa có tín hiệu cũng như phần đường dành cho người đi bộ. Các đèn tín hiệu giao thông trước đây mà đã bố trí rồi thì đến bây giờ không sử dụng nữa thì cũng có lãng phí. Nhưng cơ mà lãng phí ấy có thể chấp nhận được vì giao thông không bị ùn tắc nữa là tốt rồi”.
Người đi bộ loay hoay tìm cách sang đường
Ngã 4 Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Chí Thanh – Phố Pháo Đài Láng: hệ thống đèn tín hiệu vẫn hoạt động như khi chưa phân luồng làm người tham gia giao thông lúng túng
Trong thời gian tới, Liên ngành giao thông – công an sẽ tổ chức, điều chỉnh lại các tuyến, nút giao thông: tuyến đường Lê Văn Lương – Láng Hạ, Nút giao thông Hồ Đắc Di – Nguyễn Lương Bằng, nút giao thông Xã Đàn – Nguyễn Lương Bằng – Ô chợ Dừa, Nguyễn Văn Cừ , Cống Chênh; nút giao thông Daewoo, Phạm Văn Đồng, Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Đồng thời, liên ngành cũng sẽ tiếp tục xây dựng phương án và thực hiện công tác phân luồng giao thông phục vụ các nút thi công trọng điểm như trụ cầu Thanh Trì, Cầu Tó, Kim Liên – Đại Cồ Việt...
Cùng với sự cố gắng phân luồng, tổ chức lại giao thông, thành phố Hà Nội cũng đang nhanh chóng nghiên cứu giải pháp giao thông dành cho người đi bộ hợp lý, hướng dẫn giao thông tại các nút, tuyến điều chỉnh lại tổ chức giao thông, chỉnh trang lại khu vực đã tổ chức giao thông nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra xử lý các vi phạm như đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm và đi sai làn đường… Bên cạnh đó, người dân khi tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm chỉnh hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông và tuân thủ nghiêm túc Luật giao thông đường bộ./.
BL