Vấn đề Ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ hai, 22/06/2009 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai Nghị quyết này, Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể qua các văn bản sau:
Thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để triển khai Nghị quyết này, Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể qua các văn bản sau:
- Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
- Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2009 về việc ban hành kế hoạch của thành phố Hồ Chí Minh triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2010.
Đánh giá kết quả thực hiện từng bước khắc phục ùn tắc giao thông qua 6 tháng đầu năm 2009 của hai thành phố:
1. Thành phố Hà Nội:
Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo nghị quyết số 15 của Quốc hội, số lượng điểm ùn tắc giao thông gia tăng cùng với số lượng phương tiện. Tính đến tháng 3 năm 2009, trên địa bàn Hà Nội có 124 điểm có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông. Đến tháng 5 năm 2009 số điểm có nguy cơ ùn tắc còn 91 điểm. Có được kết quả này, là do thành phố đã áp dụng nhiều biện pháp phân luồng, điều hành hướng dẫn giao thông của các lực lượng của Sở GTVT và Công an Hà Nội. Trong số 91 điểm ùn tắc thì có 68 điểm có nguy cơ ùn tắc cao trong giời cao điểm.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội
Tính đến hết tháng 5 năm 2009 Hà Nội đã có 270.154 xe ôtô các loại, có 2.635.642 xe môtô, xe gắn máy. Số nút giao thông khác mức mới chỉ có nút Mai Dịch, nút Ngã Tư Vọng, nút Ngã tư Sở, nút Nam Chương Dương, nút Kim Liên – Đại Cổ Việt(hầm đường bộ thông xe kỹ thuật ngày 16/6/2009). Số cầu vượt cho người đi bộ mới chỉ có tại cổng trường đại học GTVT, đường Nguyễn Chí Thanh, đường Giải phóng, bệnh viện Quân Y 103, đường Nguyễn Văn Cừ, hầm đường bộ Ngã tư Sở, sửa chữa hơn 10 cầu yếu như cầu Tó, cầu Bươu, cầu Trắng, cầu Đen...
Tại các tuyến giao thông trên địa bàn thành phố có nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, nguyên nhân là do xung đột trực tiếp giữa các dòng phương tiện gây ùn tắc giao thông cục bộ. Để giải quyết vấn đề này, Sở GTVT đã tiến hành đồng bộ các giải pháp như: Đóng các điểm giao nhau tại các ngã tư, mở các điểm quay đầu để giải quyết xung đột trực tiếp giữa các dòng phương tiện; bổ sung biển báo, sơn kẻ tổ chức lại giao thông; điều chỉnh pha đèn tín hiệu giao thông; xén hè và giải phân cách để mở rộng mặt đường, tăng lưu lượng cho các phương tiện qua các nút giao thông... Cụ thể:
+ Giai đoạn I từ ngày 2/4/2009 đến ngày 20/5/2009: đã tổ chức giao thông lại tại các tuyến: Nút giao thông Bưởi-Hoàng Quốc Việt; nút giao thông Lê Thanh Nghị-Giải Phòng; nút Tôn Thất Tùng-Trường Chinh; nút Cầu Giấy-Nguyễn Khang; nút Tôn Đức Thắng-Nguyễn Thái Học; nút Hoàng Quốc Việt-Phạm Văn Đồng; nút Cống Mọc-đường Láng; nút cầu Diễn; nút Đào Tấn; tuyến Văn Cao-Hoàng Hoa Thám-dốc La Pho; nút An Dương-Yên Phụ.  
+ Giai đoạn II từ ngày 16/5/2009 đến ngày 05/6/2009:
- Ngày 25/5 tổ chức giao thông trên tuyến đường Đại Cổ Việt, Giải phóng và nút Liễu Giai – Đào Tấn.
- Ngày 1/6 tổ chức giao thông tuyến Nguyễn Trãi – Trần Phú(Hà Đông) và tuyến Trần Khất Chân…
- Ngày 5/6 tổ chức giao thông tuyến Nguyễn Chí Thanh – Trần Duy Hưng.
Thanh tra sở GTVT đã thí điểm đưa hệ thống Barie, rào chắn, biển báo di động vào sử dụng tại các vị trí trọng yếu, đồng thời bố trí hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thanh tra, cảnh sát giao thông, công an các Quận, huyện phối hợp hướng dẫn giao thông từ 10 đến 15 ngày để tạo thói quen cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến tổ chức lại giao thông.
Phối hợp chặt chẽ trong công tác hướng dẫn phân luồng giao thông kết hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm như: vượt đèn đỏ, dừng xe lấn vạch, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, đã kiểm tra, xử lý người điều khiển môtô, xe máy tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm…
Bên cạnh việc triển khai phân luồng giao thông, chống ùn tắc giao thông thì công tác tuyên truyền cũng luôn được chú trọng, tiến hành chấn chỉnh lại các điểm trong giữ xe theo mô hình khoán quản trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, phối hợp với các quận khác mở rộng mô hình khoán quản sang các quận có điều kiện.
* Kết quả đạt được:
- Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp: vừa xây, vừa chống, lấy xây dựng sắp xếp tổ chức lại là mục tiêu chính kết hợp với việc chống ùn tắc giao thông, chống đỗ xe trái phép, chống bụi nên hiệu quả của đợt ra quân này mang lại kết quả cao.
- Do làm tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức nên ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, chấp hành các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông – trật tự đô thị của người dân, đặt biệt là trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được nâng lên rõ rệt.
- Việc đổi mới công tác tổ chức giao thông, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tăng cường lực lượng hướng dẫn với việc lắp đặt giải phân cách buộc các phương tiện rẽ phải, xóa bỏ sự xung đột trực tiếp giữa các dòng phương tiện tham gia giao thông, đưa hệ thống Barie, rào chắn, biển báo hiệu di động vào sử dụng trong công tác tổ chức giao thông đã mang lại hiệu quả cao. Tình trạng ắch tắc giao thông tại các tuyến đường và nút cơ bản đã được giải quyết, từng bước lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, được nhân dân ủng hộ và dư luận đánh giá cao.
* Những khó khăn và tồn tại
- Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông đã chuyển biến rõ rệt nhưng chưa thật bền vững nên trật tự giao thông đô thị chỉ thực sự chuyển biến ở những nơi có lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
- Lực lượng kiểm tra xử lý còn mỏng, phương tiện còn thiếu thốn nên việc giám sát, kiểm tra còn hạn chế.
- Kinh phí cho việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu công việc.
* Kế hoạch triển khai trong thời gian tới:  Tháng 6, tháng 7 tới được dự báo là thời điểm phương tiện giao thông sẽ tăng vọt khi các thí sinh và phụ huynh đổ về thủ đô ôn luyện và dự thi đại học. Do vậy, Hà Nội đang xây dựng các kế hoạch cụ thể để giảm ùn tắc giao thông, cụ thể:
- Tiếp tục thực hiện điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên các tuyến như Lê Văn Lương – Láng Hạ, tuyến Kim Mã…
- Tăng cường tuyên truyền bằng loa đài, băng rôn, biển báo về tổ chức lại giao thông tại các tuyến, các nút giao thông.
- Tiếp tục bố trí lực lượng CSGT, CSTT, Tranh tra GTVT hướng dẫn phân luồng giao thông tại các nút đã tổ chức lại giao thông, tạo thói quen cho người tham gia giao thông theo mô hình tổ chức giao thông mới.
- Tiếp tục xây dựng phương án và thực hiện công tác phân luồng giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm như trụ cầu Thanh Trì, cầu Tó…
- Duy trì công tác giữ chốt, trực phân luồng và kiểm tra xử lý các vi phạm như đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm…
- Sở GTVT đang có kế hoạch phát phao cứu sinh tới tất cả các quận huyện trong thành phố có bến khách ngang sông để đảm bảo ATGT trong mùa mưa lũ.
2. Thành phố Hồ Chí Minh
Năm 2009 là năm đặc thù vì có rất nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước quy mô lớn đang tăng tốc thi công nên tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố có nhiều diễn biến phức tạp. Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các dự án là: Dự án vệ sinh môi trường thành phố, dự án nâng cấp đô thị Việt Nam, dự án cải thiện môi trường nước…Các quận chịu ảnh hưởng nhiều nhất là quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp và một phần quận 1,3,10. Hầu hết các tuyến đường giao thông theo trục Bắc-Nam, các trục quan trọng của thành phố đều thuộc phạm vi của các dụ án. Do đó, từ đầu năm 2009 đến nay, tình hình ùn tắc ở thành phố diễn ra thường xuyên hơn.
Năm 2008, thành phố có tới 127 điểm thường xuyên có có nguy cơ ùn tắc giao thông và có tới 52 điểm đen; năm 2008 đã xảy ra 48 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng(có thời gian kéo dài trên 30 phút), tăng 19 vụ so với năm 2007. Trong 5 tháng đầu năm 2009, tại thành phố đã xảy ra 21 vụ ùn tắc nghiêm trọng.
Tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà thành phố đang quản lý tính đến ngày 31/5/2009 là 383.419 xe ôtô; 3.833.067 xe môtô – gắn máy; Số cầu vượt dành cho người đi bộ mới có 7 cái; đã khắc phục được 33 điểm đen trên tổng số 52 điểm đen; thành phố hiện có tới 150 đơn vị thi công đào đường.
Để hạn chế ùn tắc giao thông, thành phố đã triển khai một số biện pháp sau:
- Phối hợp với Ban ATGT thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông.
- Tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nhất là các rào chắn chiếm dụng mặt đường theo Nghị định 146 của Chính phủ.
- Tăng cường công tác thông tin về kế hoạch rào chắn chiếm dụng, vị chí rào chắn đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết và điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp.
- Quản lý, điều phối và tổ chức giao thông phục vụ việc thi công rào chắn chiếm dụng mặt đường hợp lý, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân…
* Nhận xét, đánh giá: Tình hình ùn tắc giao thông tại thành phồ Hồ Chí Minh vẫn đang ngày càng phức tạp và chưa tìm ra được những giải pháp cụ thể, hữu hiệu, các giải pháp mà ủy ban nhân dân thành phố và sở GTVT đưa ra vẫn mang tính chung chung, chưa có giải pháp cụ thể, đủ mạnh để làm thay đổi tình hình ùn tắc giao thông. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2009 thì tình hình ùn tắc giao thông sẽ còn phức tạp hơn nhiều do sắp tới là mùa thi đại học đang đến và các công trình thi công vẫn đang ngày một nhiều lên... Việc tổ chức lại giao thông ở thủ đô Hà Nội hiện nay, bước đầu đã mang lại những thành công nhất định, đây có thể là bài học quý giá để thành phồ Hồ Chí Minh tham khảo, áp dụng để giải quyết tình trạng ùn tắc của thành phố.
ĐTH

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)