Cảnh này thường xuyên xuất hiện trên đường phố Thủ đô. Ảnh : Vietnamnet
Thật đau lòng biết bao khi nghe tin hai nhà khoa học lớn thiệt mạng ở trên đường phố Thủ đô Hà Nội. Vâng, không lúc nào như mấy ngày này nhiều người lại tỏ ra bức xúc với vấn nạn an toàn giao thông đến vậy.
Tôi đã đọc rất nhiều và nghe rất nhiều ở khắp mọi nơi những ý kiến bức xúc, những lời tâm huyết và nhiều kế sách đề nghị lên mọi cấp chính quyền và Bộ Giao thông- Vận tải ra tay ngay để cứu vãn tình hình.
Chúng ta không muốn rằng nghe đến Việt Nam ai cũng phải hãi hùng vì tai nạn giao thông. Tôi đã học ở nhiều nước châu Âu và phương Tây. Ngay cả 40-50 năm trước người ta còn nghèo hơn ta bây giờ rất nhiều nhưng tôi chưa thấy ở đâu giao thông đô thị lại bị buông lỏng quản lý như ở ta. Chưa ở đâu tôi thấy ý thức của người dân về đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy tắc, luật lệ an toàn giao thông như ở ta.
Đó có phải do lỗi của người tham gia giao thông hay lỗi của luật pháp và chế tài cũng như kiểm soát việc thực hành luật pháp. Tôi cho rằng lỗi của người tham gia Giao thông chỉ là lỗi nhỏ. Lỗi chính là bộ máy và chế tài kiểm soát luật lệ. Luật lệ giao thông tôi nghĩ cũng đã có khá đầy đủ. Thế nhưng tôi không thấy cảnh sát giao thông và trật tự giao thông làm việc ở trên đường ngoại trừ ở các chốt và một số ngã tư.
Và hình như cả cảnh sát giao thông cũng như trật tự giao thông tôi thấy cũng không nắm vững Luật Giao thông hay tuân thủ Luật Giao thông nữa. Còn người dân cứ thản nhiên băng qua đường ở những nơi không có vạch dành cho người đi bộ ngay trước mặt cảnh sát mà chẳng thấy anh ta nói gì chứ đừng nói là phạt.
Đường phố Hà Nội thật là lộn xộn và chẳng thấy ai can thiệp. Tất cả các loại xe từ ôtô, xe máy, xe đạp đều chen lấn xô đẩy nhau, ai cũng muốn đi lên trước không theo luồng đường nào cả. Nhất là khi có ùn tắc một tý thì trở thành ùn tắc nghiêm trọng ngay vì tất cả các loại xe đều cố vượt lên.
Người nước ngoài trên đường phố Hà Nội : Đi xe đạp cũng đội mũ bảo hiểm, học an toàn giao thông khi còn chưa biết đi. Ảnh : VietnamNet
Gần rẽ bên trái cũng đi vào phần đường của xe rẽ phải hoặc đi thẳng, kể cả đó là những đường phố rộng. Về các phố ở trung tâm thành phố, phố cổ cũng như ở ngoài đâu đâu xe máy cũng được tự do.
Ở nhiều nước các phố chính như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, các phố cổ và phố Lý Thái Tổ, phố ở khu vực Ba Đình người ta đều cấm xe máy, hạn chế xe hơi cá nhân kể cả xe tắc xi, cấm xe tải các loại và chỉ có xe buýt mới có quyền ra vào. Như vậy những ai muốn vào trong các phố đó đều phải đi trên các xe công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm, xe điện).
Như vậy kể cả những người có xe máy cá nhân sinh sống trong các khu phố đó cũng phải gửi xe của mình ở các bãi đỗ xe công cộng. Tôi cho rằng nếu thực hiện việc cấm xe máy trên các tuyến phố chính và đông người của Hà Nội sẽ có nhiều cái lợi:
1) Sẽ có nhiều người dân không hào hứng việc mua xe máy nữa vì hạn chế đi lại ở những nơi hay phải đi đến (nhưng phải tăng dịch vụ vận chuyển công cộng đáp ứng nhu cầu của dân).
2) Sẽ phần nào đỡ được việc giá đất đai ở khu vực này quá cao một cách vô lý.
3) Cảnh quan đô thị sẽ rất thông thoáng, văn minh và giữ được bền đẹp, không nhếch nhác.
Tôi đề nghị cần có những mức phạt vi phạm cao hơn nhiều lần hiện nay và phải thực hiện thật nghiêm khắc. Tôi nhớ ở Balan những năm 80 của thế kỷ trước, dù đất nước rất khó khăn nhưng họ phạt vi phạm giao thông rất nặng:
Ai đi xe buýt, tàu điện, tàu hoả trốn vé nếu bị phát hiện sẽ phạt gấp 600 lần tiền vé và chỉ được trả qua bưu điện trong vòng một tuần, nếu không trả, sang tuần thứ hai mức phạt sẽ tăng gấp đôi và tuần thứ 3 lại tăng gấp đôi so với tuần thứ 2.
Cảnh sát nắm giữ chứng minh thư, chỉ khi nào trả xong có giấy báo của ngân hàng mới gửi trả giấy tờ qua đường bưu điện. Nếu không có tiền nộp phạt sẽ phải đi lao động công ích để trừ. Không có một ngoại lệ nào.
Mong rằng các cấp chính quyền hãy bớt khen ngợi nhau và tập trung sức cho việc chấn chỉnh luật pháp và điều hành thi hành luật pháp để làm giảm tai nạn, đem lại cuộc sống bình yên cho mọi người.