Đó là đề nghị của Bí thư Thành uỷ Trần Thọ tại Hội nghị Doanh nghiệp vận tải với Năm Văn hoá, văn minh đô thị 2015 do Ban An toàn giao thông TP tổ chức, tại Nhà hát Trưng Vương vào ngày 6/2 vừa qua.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố Lê Văn Trung quán triệt, triển khai Chỉ thị 43, trong đó nêu rõ chủ trương của Thành ủy lấy năm 2015 là "Năm văn hóa, văn minh đô thị", hướng tới mục tiêu tăng cường đầu tư cho văn hóa, xây dựng kỷ cương trật tự và nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân trên địa bàn, đồng thời nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu giao cho các các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trên địa bàn tập trung thực hiện trong năm 2015.
Bí thư Thành uỷ Trần Thọ mong muốn “Mỗi tài xế lái taxi, xe buýt,
xích lô du lịch là một “đại sứ” của Thành phố Đà Nẵng”.
Nói chuyện với lãnh đạo các đơn vị vận tải, các nhân viên lái xe taxi, xe buýt và xích lô du lịch trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành uỷ Trần Thọ cho rằng, trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, hạ tầng đô thị, đời sống người dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, sự đầu tư, phát triển về văn hoá vẫn chưa thật sự xứng tầm, do vậy, lãnh đạo thành phố quyết định chọn năm 2015 là Năm văn hoá, văn minh đô thị với quyết tâm xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố phát triển bền vững, văn minh, một thành phố đáng sống. “Đó là mong mỏi của lãnh đạo thành phố. Và để thực hiện thành công Năm văn hoá, văn minh đô thị thì đòi hỏi sự chung tay, góp sức của chính quyền các cấp, toàn thể người dân thành phố, từ già tới trẻ, từ thành thị tới nông thôn, trong đó có vai trò đặc biệt của những người làm trong ngành giao thông vận tải, những người lái taxi, xe buýt, xe xích lô” - Bí thư nhấn mạnh.
Bí thư cho rằng, nghề lái xe là một nghề cực nhọc, nguy hiểm, là người nắm giữ sinh mệnh của tất cả những người đang ngồi trên xe, chỉ cần họ chểnh mảng trong một giây thôi thì có thể xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng, do vậy người làm nghề này được cả xã hội kính trọng gọi là “bác tài”. Ngược lại, những người lái ẩu, giành đường, giật khách lại bị gọi là “giặc lái”, thành phố chúng ta cần làm sao để số lượng “giặc lái” ngày càng ít đi. Ngay tại hội nghị, Bí thư đã tuyên dương những hành động đẹp các tài xế như anh Nguyễn Kim Tấn (hãng Mai Linh) trả lại hơn 50 triệu đồng và 10 thẻ tín dụng cho hai hành khách người nước ngoài để quên trên xe, anh Nguyễn Thanh Tứ (hãng taxi Mai Linh) trả lại cho hành khách chiếc ví có hơn 40 triệu đồng… anh Trần Văn Thành (hãng Taxi Tiên Sa) cùng 2 đồng nghiệp đã mưu trí, dũng cảm bắt gọn tên trộm giao cho công an xử lý… Đồng thời, ông cũng đưa ra những tấm ảnh chụp cảnh taxi, xe buýt chạy lấn đường, vượt đèn đỏ, đậu đỗ không đúng quy định, dẫn chứng một số hành động thiếu văn minh của một số tài xế khi tiểu tiện không đúng nơi quy định, xả rác bừa bãi, giờ nghỉ thản nhiên gác chân lên cửa xe, đội xe xích lô chèo kéo khách, đi dàn hàng ngang trên phố…
Hơn 1000 ghế trong khán khòng Nhà hát Trưng Vương chật kín chỗ.
Để góp phần thực hiện thành công Năm văn hoá, văn minh đô thị, Bí thư Trần Thọ mong muốn các hãng vận tải, các tài xế thực hiện 9 công việc cụ thể trong chức năng, nhiệm vụ của mình. Đó là phải tuân thủ luật giao thông đường bộ, đi đúng tốc độ, làn đường, đậu đỗ, đón trả khách đúng nơi quy định, khi trả, đón khách phải dừng hẳn. Khi làm việc phải đeo thẻ nhân viên, có nụ cười thân thiện và hướng dẫn khách chu đáo. Đà Nẵng ngày càng đón nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm quan, nghỉ dưỡng, do vậy đòi hỏi đội ngũ lái xe cần học thêm ngoại ngữ để giao tiếp khi cần thiết; phải chủ động tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, vùng đất, con người Đà Nẵng để giới thiệu, quảng bá cho du khách; hoàn trả tiền, hành lý để quên cho khách; có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; chủ động, dũng cảm trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, tham gia bắt các đối tượng cướp giật; tiếp thu ý kiến góp ý của khách hàng với tinh thần cầu thị…
Bên cạnh đó, các tài xế cũng cần nghiêm túc thực hiện một số yêu cầu như đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông; không lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách; đậu đỗ phương tiện, đón trả khách, quay đầu xe không đúng nơi quy định; không được có thái độ né tránh, khó chịu đối với khách đi cự ly gần, người bị tai nạn giao thông; chở khách đi lòng vòng để tính thêm tiền; không đi vệ sinh bừa bãi; không tranh giành khách; không chèo kéo khách; đối với xe buýt nghiêm cấm việc chạy nhanh, chạy ẩu, lấn đường, sử dụng còi quá to, nhồi nhét khách, thu tiền thêm đối với người nước ngoài. Bí thư Trần Thọ cho rằng, để làm được những việc trên rất dễ, nhưng cũng rất khó. “Ấn tượng của một người khách đến với Đà Nẵng tốt đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ lái xe taxi, xe buýt, xích lô. Có những hành động rất nhỏ, như cố tình “câu giờ”, loay hoay không thối lại tiền lẻ cho khách cũng gây phản cảm ít nhiều. Do vậy, có thể nói, các anh, chị là một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công của Năm văn hoá, văn minh đô thị 2015” - Bí thư Thành uỷ khẳng định.
Lãnh đạo các hãng vận tải ký kết tham gia Năm Văn hoá, văn minh đô thị 2015.
Tại hội nghị, ông Võ Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Taxi thành phố Đà Nẵng, thay mặt các hãng vận tải cam kết hưởng ứng và thực hiện tốt Năm Văn hoá, văn minh đô thị của thành phố, trong đó lấy công tác bảo đảm an toàn giao thông làm nhiệm vụ trọng tâm; thái độ của nhân viên làm khâu đột phá nhằm xây dựng thương hiệu của các hãng nói riêng và chung tay xây dựng thương hiệu cho Taxi Đà Nẵng nói chung.