Sau 5 năm thực hiện Chương trình công tác an toàn giao thông (2011-2015) và triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về Tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều cách làm sáng tạo, nhờ vậy tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến rất tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm qua từng năm.
Lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao và quyết liệt
5 năm qua, Thường trực Thành ủy đã tổ chức hai hội nghị giám sát về công tác trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố, ngoài ra định kỳ 6 tháng đích thân Bí thư Thành ủy chủ trì các cuộc họp giao ban về công tác TTATGT.
UBND thành phố cũng định kỳ 3 tháng tổ chức các cuộc họp về TTATGT với sự chủ trì của Chủ tịch hoặc các Phó Chủ tịch UBND. Chính nhờ những hội nghị, những cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố và các đơn vị hữu quan, các địa phương mà các vấn đề nóng, hoặc những vấn đề mới phát sinh trên lĩnh vực TTATGT đều nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt và kịp thời của lãnh đạo thành phố.
Đặc biệt, trong năm 2015, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 43, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Ban ATGT thành phố thường xuyên duy trì kiểm tra thực tế và giao ban định kỳ hằng tháng với các Ban ATGT quận, huyện và các sở, ban, ngành liên quan.
Có thể nói, nhờ việc duy trì các chương trình làm việc theo định kỳ, lãnh đạo thành phố đã nắm bắt kịp thời tình hình, từ đó chỉ đạo các địa phương, ban, ngành giải quyết “nóng” nhiều việc liên quan đến TTATGT trên địa bàn.
Đặc biệt, nhờ sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của lãnh đạo thành phố, Ban ATGT thành phố Đà Nẵng đã xây dựng hàng chục chương trình, kế hoạch rất thiết thực như kế hoạch tổ chức tuần lễ an toàn giao thông đường bộ; kế hoạch đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng; kế hoạch tuyên truyền xử lý đợt cao điểm về vi phạm tốc độ, xe quá tải...; xây dựng nhiều chương trình phối hợp hành động với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...
Nhiều giải pháp mới về bảo đảm TTATGT đường bộ
Dự án “Sáng kiến cải thiện tình trạng sử dụng chất có cồn và điều khiển phương tiện” sau giai đoạn I (2010-2011) triển khai hiệu quả tại quận Hải Châu và huyện Hòa Vang đã được tiếp tục triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố (2013-2014), bước đầu đem lại kết quả đáng kể với hai nhóm đối tượng nằm trong chương trình hướng đến là sinh viên và công nhân.
Đặc biệt, đội ngũ lái xe chuyên nghiệp đã nhận thức được tác động nguy hiểm từ việc lạm dụng rượu bia. Hiện nay, thành phố thí điểm mô hình “Nhà hàng an toàn-lái xe trách nhiệm”. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện việc thay thế mũ bảo hiểm kém chất lượng bằng mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quy định thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm. Với những nỗ lực này đã đưa Đà Nẵng trở thành địa phương có tỷ lệ nguời tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm cao nhất nước hiện nay.
Trong thời gian qua, trường học cũng là “điểm đến” của rất nhiều chương trình phù hợp với từng lứa tuổi như cuộc thi “Giao thông thông minh” trên Internet, “Bé làm CSGT”, hội diễn văn nghệ với chủ đề về TTATGT. Ở bậc đại học có mô hình “Sinh viên với ngày hội thi lái mô-tô” thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Cũng với đối tuợng học sinh, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện tốt dự án “Tăng cường thực hiện đội mũ bảo hiểm với trẻ em”. Ngành giáo dục thành phố đã thể hiện rõ có trách nhiệm với chương trình “Chống ùn tắc trước cổng trường” và “Cổng trường bình yên”.
Tổ chức sơ cấp cứu kịp thời cho nạn nhân bị TNGT
Với sự nhập cuộc rất có trách nhiệm của ngành y tế, thời gian qua, công tác sơ cấp cứu cho nạn nhân bị TNGT đã có bước chuyển biến khá tích cực. Hiện nay, 100% bệnh viện do Sở Y tế quản lý đều thành lập Tổ cấp cứu ngoại viện, các phòng cấp cứu được trang bị đầy đủ trang thiết bị và nhân lực sẵn sàng cấp cứu khi có bệnh nhân nhập viện. 5 năm qua, Trung tâm Cấp cứu thành phố đã đáp ứng từ 80-90% các cuộc gọi cấp cứu về TNGT xảy ra trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã tổ chức được 280 lớp tập huấn cho 5.227 tình nguyện viên, đáp ứng được nhu cầu sơ, cấp cứu ban đầu cho các vụ TNGT nói riêng và tai nạn nói chung xảy ra trên địa bàn thành phố.
Tập huấn sơ cấp cứu nạn nhân TNGT cho các tình nguyện viên chữ thập đỏ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Tăng cường công tác quản lý vận tải
Công tác quản lý vận tải đã và đang đi vào nền nếp và ngày một chuyên sâu hơn. Hầu hết các hoạt động vận tải về hàng hóa lẫn hành khách đều có sự điều tiết và giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Nhờ điều này mà trong các chiến dịch phục vụ cao điểm như các kỳ thi đại học, cao đẳng, kỳ nghỉ Tết Âm lịch... đều bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tất cả hành khách.
Việc đưa Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng vào hoạt động đã góp phần đáng kể trong điều tiết phương tiện lưu thông trên đường một cách hài hòa, hợp lý, giảm thiểu nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông. Công tác giám sát tải trọng của xe tải và tăng cường công tác kiểm tra xử lý lỗi tốc độ được thực hiện tốt cũng đã góp phần “hạ nhịêt” TNGT trên các cung đường ở ngoại ô.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông
Sau thời gian “bùng nổ” xây dựng hạ tầng giao thông, những năm gần đây thành phố bước vào thời kỳ hoàn thiện và khớp nối hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Hiện nay, tổng chiều dài của mạng lưới giao thông đường bộ của thành phố có hơn 1.131km, trong đó riêng đường đô thị hơn 826km, tăng gấp 1,31 lần so với năm 2011. Có 41 cầu (có chiều dài từ 25 mét trở lên) với tổng chiều dài gần 11.000m, góp phần khớp nối hoàn chỉnh hệ thống giao thông của thành phố từ trung tâm đến vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh công tác xây dựng, công tác quản lý duy tu, bảo trì cũng có bước tiến mới. Các thông số kỹ thuật, các dữ liệu mới về thời tiết, dòng chảy các con sông... thường xuyên được cập nhật, phục vụ tốt cho công tác dự báo, thiết kế, sửa chữa hạ tầng giao thông một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất, bảo đảm giao thông luôn đựơc êm thuận.