Ngày 25/5, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp trao đổi về việc xử lý “xe khách trá hình” và “bến xe khách lậu” theo đề nghị của 12 đơn vị vận tải khách tuyến cố định trên địa bàn.
Ông Bùi Xuân Cường kết luận tại cuộc họp ngày 25/5
Bỏ cơ chế xin-cho
Theo kiến nghị của 12 đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn Thành phố, hiện nay xe dù, bến cóc ngày càng lộng hành. Trong năm 2015 tăng 25% so với năm 2014, bởi các đơn vị “xe khách trá hình” không muốn vào bến xe nhằm tránh né đóng phí.
Để khắc phục thực tế này, ông Ôn Minh Hương, Phó giám đốc HTX xe khách du lịch và du lịch liên tỉnh Miền Tây kiến nghị: “Sở nên thường xuyên rà soát dữ liệu từthiết bị giám sát hành trình của các xe hợp đồng, xe du lịch trá hình. Nếu phát hiện vi phạm đề nghị công khai trên website của Sở”.
Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, hiện nay ngoài quận 2 đã phát sinh thêm mấy điểm xe dù, bến cóc, tồn tại nhiều nhất là quận Tân Bình, Tân Phú. Những xe này hoạt động từ 3h-5h sáng, 6h chiều-10h đêm. Quý I/2015, TP có tới 148 điểm xe dù, bến cóc, từ tháng 4 đến nay còn 36 điểm. Sắp tới thanh tra sẽ phối hợp với các khu quản lý giao thông đô thị rà soát lại các điểm trên, tổ chức lại giao thông, cắm biển cấm…Ông Hương cũng đề nghị Sở GTVT nên kiến nghị Bộ GTVT bổ sung Nghị định 86 và Thông tư 63 theo hướng bỏ ràng buộc tần suất chạy xe phải do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc này nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN và bỏ cơ chế xin-cho “nốt tài” để tránh tiêu cực. Ngoài ra, theo ông Hương, cần bổ sung thêm quy định không cho các DN vận tải xe khách hợp đồng, xe du lịch bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
Sau phát biểu của ông Việt, một số DN thắc mắc vì sao không nhắc đến “Bến xe khách lậu” của Thành Bưởi ở số 01 đường Vĩnh Viễn gần trụ sở TTGT. Bởi theo các DN, bên trong bến này còn tổ chức phòng vé, phòng chờ, lên xuống khách. Đây là bến xe khách lậu, không phải là điểm đón trả khách như xe chạy hợp đồng.
Tại cuộc họp, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông cho biết: “Tại bến có quy trình kiểm tra rất nghiêm về an toàn, kỹ thuật đối với các DN vận tải, do vậy để tránh bị kiểm tra nhiều DN bỏ ra ngoài để chạy “dù”. Ông Hải cũng đề nghị nên trở lại quy định trước đây để DN tự do đăng ký nốt tài, cùng cạnh tranh. Nếu không thay đổi gây khó khăn cho các DN mới đăng ký vì họ luôn phải xếp sau, không có khách để chạy…”.
Kiên quyết dẹp những bến xe lậu
Phát biểu tại cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP. HCM khẳng định: “Các kiến nghị của DN là chính đáng, thực tiễn. Quan điểm của Sở GTVT là sẽ tạo điều kiện cho các DN hoạt động đúng quy định pháp luật, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch. Sở không bao che, dung dưỡng cho “xe khách trá hình”, hay “bến xe khách lậu”.
Ông Cường yêu cầu Thanh tra Sở GTVT lập đoàn kiểm tra, rà soát lại 36 điểm tồn tại xe dù, bến cóc. Trước mắt phải kiểm tra các điểm nóng như bến Thành Bưởi… cuối tháng 5 phải báo cáo Sở. Nếu có khó khăn thì đề nghị địa phương cùng phối hợp, xử lý. Ông Cường cũng chỉ đạo Phòng Vận tải của Sở nghiên cứu quy định trong Thông tư 63 có phù hợp không, đặc biệt việc phát hiện “xe khách trá hình” căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình. Nếu phát hiện xe không phải chạy hợp đồng mà chạy đi chạy lại nhiều lần thì coi là vi phạm, cần xử lý nghiêm. Nếu cần thì đề xuất máy móc, phần mềm phục vụ công tác và trong tháng 6 phải báo lãnh đạo Sở. Bên cạnh đó là rà soát lại các điểm kinh doanh, xe trung chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường bán vé xe qua mạng…
“Trong thời gian này nỗ lực của Sở GTVT là tổ chức lại giao thông để hạn chế “xe dù, bến cóc” bằng cách phân luồng giao thông, lắp đặt biển cấm. Điều này Sở đã triển khai hiệu quả khi tuyến đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Mai Chí Thọ… không còn nạn xe dù, bến cóc. Riêng trách nhiệm của lực lượng TTGT, Sở khẳng định sẽ làm nghiêm, nếu phát hiện tiêu cực sẽ xử lý. Phòng Vận tải có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với các DN vận tải, bằng mọi cách phải dẹp những bến xe khách lậu…”, ông Cường nói.