Đòi lại vỉa hè cho người đi bộ

Thứ năm, 29/12/2016 10:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đã từ lâu, chức năng chính của nhiều tuyến vỉa hè Hà Nội không còn dành cho người đi bộ mà trở thành điểm tập kết bãi đỗ xe, làm hàng quán.

100 người đi bộ tử vong mỗi năm

Dạo một vòng quanh Hà Nội, không khó để bắt gặp các vỉa hè, nhất là khu vực quanh chợ, bệnh viện bị lấn chiếm bởi các quán cơm, quán nước, hiệu sửa xe, rửa xe, thậm chí còn trở thành bãi đỗ xe ô tô, xe máy. Tại một số tuyến đường như Trần Hưng Đạo, Tạ Hiện, Xuân Thủy, Chùa Láng, Hàng Bông…, người dân không chỉ biến vỉa hè thành “của riêng”, mà còn lấn xuống lòng đường buôn bán, gây mất ATGT, mỹ quan đô thị. Vỉa hè vốn đã nhỏ hẹp lại bị chiếm dụng... khiến người đi đường bức xúc, ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa - du lịch Hà Nội. Việc các hộ dân trên nhiều tuyến phố tùy tiện lấn chiếm kinh doanh vì thế cũng tạo đà cho gánh hàng rong, xe đẩy tập trung buôn bán đông đúc.

Từ đó kéo theo hệ quả một khung cảnh lộn xộn, nhếch nhác, thậm chí gây ách tắc giao thông vào những giờ tan tầm. Người tham gia giao thông khi đi qua các tuyến phố này luôn cảm thấy bất an do phải liên tục bấm còi, lại thon thót với sự xuất hiện bất ngờ của những người bán hàng có “máu liều” sẵn sàng băng xuống đường bất cứ lúc nào. Đó là chưa kể những hôm trời mưa, đường vừa đông lại mất vệ sinh do rác thải của các hộ kinh doanh thiếu ý thức vứt bừa bãi trên đường.

Xe ô tô đỗ trên vỉa hè vi phạm luật ATGT trên phố Trần Hưng Đạo.

Thậm chí, tại nhiều vỉa hè Hà Nội còn là nơi để người dân buôn bán, họp chợ. Tại các chợ tạm, chợ cóc khu vực Tân Mai, Ngõ Gốc Đề…, không chỉ người bán hàng lấn chiếm vỉa hè mà người mua cũng dựng xe ngay dưới lòng đường để vào mua hàng, khiến cho khu vực này luôn trong tình trạng mất trật tự ATGT. Chị Nguyễn Thị Hiền, ở phường Minh Khai (Hai Bà Trưng) cho biết: “Mặc dù biết đi bộ dưới lòng đường là rất nguy hiểm và có thể xảy ra TNGT, nhưng do vỉa hè bị lấn chiếm, không còn chỗ để lưu thông nên tôi buộc phải đi xuống dưới lòng đường”. Thống kê sơ bộ ghi nhận, trật tự lòng lề đường và cơ sở hạ tầng cũng là nguyên nhân gây TNGT. Mỗi năm có gần 100 người chết do đi bộ không đúng quy định do lòng lề đường bị lấn chiếm...

Tạo chỗ thay thế cho tiểu thương

Theo một số chuyên gia kinh tế, vấn đề dẹp chợ cóc, vỉa hè đã triển khai nhiều năm nhưng chưa thật sự hiệu quả. Vấn đề ở đây chưa hẳn là do chính quyền không kiên quyết mà do vấn đề kinh phí, nhân lực thực hiện. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như điều kiện môi trường, phân bố dân cư, giải tỏa đô thị, đến vận hành bộ máy quản lý, giao thông công chính vẫn manh mún, thiếu sự đồng bộ, nên dẫn đến tình trạng “kiên” nhưng không “quyết” được. Xuất phát từ thực tế đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao để mọi người dân thấy rõ việc lấn chiếm lòng lề đường là mất mỹ quan đô thị, là làm xấu đi bộ mặt TP và đó là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt rất nặng. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền giáo dục, chính quyền địa phương các cấp cần có biện pháp hỗ trợ người nghèo, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm lấn chiếm lòng lề đường.

Hiện nay, nhiều hộ buôn bán hàng rong là người địa phương cần sắp xếp và định hướng chuyển nghề gắn với giảm nghèo. Nếu đối tượng chiếm dụng lòng – lề đường, vỉa hè để buôn bán là những người lao động nghèo và họ thực sự có nhu cầu buôn bán để mưu sinh, thì cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để người dân có nơi buôn bán ổn định và đúng luật. Riêng đối tượng vi phạm là hàng quán kinh doanh kiếm thêm lợi nhuận thì cần phải xử lý nghiêm và triệt để, nhằm chấn chỉnh lại trật tự ATGT và giữ gìn cảnh quan đô thị. Việc xử lý hàng rong, mua bán lấn chiếm lòng lề đường đối với các hộ kinh doanh cố định… của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cần được quan tâm ở hai khía cạnh, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội và kỷ cương phép nước. Hiện nay, nhiều hộ buôn bán hàng rong là người địa phương cần sắp xếp và định hướng chuyển nghề gắn với giảm nghèo.

Nếu vi phạm lần đầu, ngoài việc phạt tiền, người xử phạt cần có biện pháp buộc người vi phạm làm cam kết “không tái phạm”, nếu tái phạm cần kiên quyết rút giấy phép kinh doanh, tịch thu phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật... Khi xử phạt nặng và xử lý nghiêm minh tất cả các trường hợp vi phạm thì ai ai cũng “sợ” pháp luật mà không dám vi phạm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này kéo dài thì vấn nạn kẹt xe của TP sẽ trầm trọng hơn, bởi vỉa hè bị chiếm dụng trái phép làm mất đi thói quen đi bộ của người dân và gây khó khăn khi sử dụng xe buýt, buộc lòng họ phải sử dụng xe cá nhân. Chính vì lẽ đó, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp mạnh để lập lại trật tự, trả lại vỉa hè và lòng đường cho người tham gia giao thông.

hoavt

Nguồn: Báo Kinh tế&Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)