Đà Nẵng: Trật tự an toàn giao thông chuyển biến rõ nét qua từng chuyên đề xử lý vi phạm

Thứ hai, 25/12/2017 16:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2017, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn TP Đà Nẵng giảm sâu cả 3 tiêu chí (giảm 25 vụ, giảm 19 người chết và giảm 23 người bị thương). Có được kết quả này, các lực lượng chức năng TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo trât tự an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có các chuyên đề xử lý vi phạm giao thông đã giúp nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đối với người tham gia giao thông.

"Mắt thần" soi vi phạm

CSGT theo dõi hình ảnh xử lý phạt nguội qua camera.

Trao đổi với phóng viên vào ngày 20/12, Trung tá Phan Văn Thương - Phó trưởng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng, cho hay: Nổi bật nhất là kết quả xử lý vi phạm Luật GTĐB theo chuyên đề phạt nguội qua camera. Sau 1 năm triển khai hình thức xử phạt nguội qua camera, Phòng CSGT đã gửi hơn 13.000 thông báo đến người vi phạm, trong đó hơn 7.000 trường hợp đã đến nộp phạt, chủ yếu rơi vào vi phạm tốc độ, vượt đèn đỏ, lấn làn. Dẫn chứng cho sự chuyển biến, đội theo dõi, xử lý vi phạm camera cho hay, trong 6 tháng đầu thực hiện chuyên đề, mỗi ngày tại nút đèn đỏ Cách Mạng Tháng 8 - đường dẫn qua cầu Hòa Xuân, CMT8-Nguyễn Hữu Thọ và CMT8 lên cầu vượt Hòa Cầm ghi nhận từ 40 - 60 trường hợp vi phạm, thì 3 tháng trở lại đây, lỗi vi phạm đã giảm từ 60-80%.

Theo Trung tá Thương, từ khi triển khai chuyên đề, vi phạm tại điểm camera tại cầu vượt Hòa Cầm là phổ biến nhất, dù tại 2 đầu lên, xuống cầu đã có bảng hiệu lớn ghi rõ điểm thường xuyên giám sát tốc độ. Tại đây, quy định chỉ cho phép tốc độ dưới 45km/giờ, nhưng nhiều người điều khiển xe tới 70 - 80km, nhưng nay bị phạt nhiều, người tham gia giao thông cũng sợ "mắt thần" rồi. "Nút giao thông này rất nguy hiểm, vì ngay điểm lên, xuống cầu đều có một ngã ba. Nếu phương tiện đi thẳng quá nhanh rất dễ gây TNGT đối với phương tiện rẽ phải lên cầu. Tương tự xuống cầu cũng vậy, có một ngã ba ngay dưới chân cầu, nên phương tiện lên cầu hay trên cầu xuống phải hạn chế tối đa tốc độ, bằng không hiểm họa khôn lường", Trung tá Thương cảnh báo. Ngoài ra, Trung tá Thương cho biết thêm, ngoài 18 vị trí với tổng số 68 camera (2 camera quan sát, 4 camera giám sát tốc độ, 62 camera giám sát, xử lý vi phạm) đã đi vào hoạt động, hiện tại các ngành chức năng đang tiến hành xây dựng cáp để quý 1/2018 lắp đặt thêm các điểm camera tại tuyến Trường Sơn và Võ Chí Công.

Xe buýt dừng đón khách không đúng nơi quy định bị CSGT ghi hình để xử phạt.

Nhiều chuyên đề phát huy tác dụng

Cùng triển khai từ đầu năm 2017 đến nay, chuyên đề xử phạt đậu đỗ ngày chẵn lẻ tại 22 tuyến, đoạn tuyến cũng phát huy tác dụng. Chưa có số liệu thống kê tổng thể do rất nhiều lực lượng xử phạt, nhưng riêng Phòng CSGT ghi nhận, xử lý tới gần 3.000 trường hợp. Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, ở thời điểm đầu xe vi phạm rất nhiều, tuy nhiên 3 tháng cuối năm, số lượng xe vi phạm đã giảm hẳn, bởi người điều khiển phương tiện đã hình thành thói quen tuyến đường mình định đậu đỗ cấm ngày chẵn, ngày lẻ. Trước đây mỗi ngày lực lượng dán giấy phạt nguội từ 6 - 10 trường hợp thì nay có ngày không có trường hợp nào mắc lỗi.

Hoặc như hình ảnh xe buýt chạy lấn làn, "đua tốc độ", không đóng cửa khi xe đang chạy, đón trả khách sai quy định... thời gian qua khiến người dân bức xúc nên từ tháng 6/2017, Phòng CSGT CATP Đà Nẵng đã xây dựng chuyên đề xử lý. Theo đó, Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông (ĐKĐTHGT) bố trí lực lượng tuần tra hóa trang, sử dụng thiết bị nghiệp vụ ghi hình các hành vi vi phạm để xử lý. Theo Đại úy Đặng Phước Đại - Cán bộ Đội ĐKĐTHGT, qua thời gian đầu triển khai, các hành vi vi phạm bị phát hiện nhiều rơi vào lỗi "đón trả khách không đúng nơi quy định", "không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy", "đi không đúng làn đường". Thông thường, tài xế xe buýt, xe môi trường, taxi chạy rất nhanh, tạt rẽ gấp, nguy hiểm cho người đi đường. Trong 3 tháng đầu ra quân, tổ đã ghi hình để xử lý gần 50 trường hợp vi phạm với mức phạt gần 50 triệu đồng, trong đó nhiều lái xe bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng. Tất cả các trường hợp đều được gửi thông báo mời doanh nghiệp đến xử lý, có chứng minh bằng hình ảnh camera quay lại. Do sợ xử phạt, bị ảnh hưởng đến công việc vì DN cho nghỉ việc nên từ tháng 11/2017 đến nay, lái xe buýt đã có ý thức chấp hành Luật GTĐB tốt hơn.

"Phòng CSGT chỉ đạo các tổ TTKS ghi hình, xử lý nghiêm nên đến nay, hình ảnh xe buýt, xe taxi, xe chở rác vi phạm Luật GTĐB không còn nhiều. Tuy nhiên để duy trì được kết quả này, ngoài hình thức kiểm tra, xử lý của CSGT, các doanh nghiệp cũng thường xuyên có hình thức tuyên truyền, quán triệt các quy định để nhân viên và lái xe không vi phạm", Trung tá Thương nói.

hoavt

Nguồn: Báo Công an TP Đà Nẵng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)