Vào những ngày đầu tháng 4/2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, 4 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra, làm chết 4 người (quận Liên Chiểu: 1 vụ, chết 1 người; quận Ngũ Hành Sơn: 1 vụ, chết 1 người ; huyện Hòa Vang trong 1 ngày xảy ra 2 vụ, chết 2 người). Trước tình trạng đó, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp tăng cường xử lý để lập lại tình hình.
Trong ảnh: Hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông
thuộc Trung tâm Thông tin Chỉ huy Cảnh sát Giao thông Công an thành phố Đà Nẵng
Lúc 16 giờ 20 phút ngày 6/4, chị N.T.T (37 tuổi, ngụ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) điều khiển xe máy lưu thông trên đường Trường Sa. Khi chạy qua khu vực đối diện một sân golf (phường Hòa Hải), chị T. bị xe bồn vận chuyển bê tông do một nam tài xế điều khiển đang lưu thông cùng chiều va chạm. Hậu quả, chị T. chết tại chỗ.
Trước đó, tối 5/4, tại khu vực đường tránh Nam Hải Vân (đoạn đi qua thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), xe thư báo do Lê Hoàng Ánh Tuyết (ngụ tỉnh Nghệ An) cầm lái lưu thông trên đường tránh Nam Hải Vân, hướng từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ra hầm Hải Vân. Khi đến Km24+700 (thôn Đại La, xã Hòa Sơn), xe thư báo va chạm với xe máy do anh Trần Hữu B. (SN 1994, trú xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) điều khiển chạy hướng ngược lại khiến anh B. tử vong tại chỗ.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng, trong quý 1/2019, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, tổ chức nhiều sự kiện vui Xuân, đón Tết đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, đi không đúng phần đường, làn đường... chưa được xử lý triệt để; tình trạng học sinh đi mô tô, xe máy đến trường, một số trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe máy điện vẫn còn tồn tại.
Bên cạnh đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế… Chính vì vậy, nguy cơ về tai nạn cũng như gây ùn tắc giao thông tăng cao. Theo số liệu báo cáo, quý 1/2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, 19 vụ tai nạn giao thông xảy ra làm chết 17 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 1 vụ (19/18), tăng 3 người chết (17/14), giảm 12 người bị thương (6/18). Nguyên nhân chủ yếu là lỗi hỗn hợp như không quan sát khi lưu thông trên đường, vượt ẩu…
Trước thực trạng tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trong tháng 4 cũng như quý 1/2019, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có văn bản đề nghị Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an các quận, huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về TTATGT; trong đó, tập trung vào các lỗi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, như: vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường; vi phạm quy định nồng độ cồn, chất kích thích, vi phạm tốc độ, phương tiện đậu đỗ sai quy định; đồng thời, đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm TTATGT qua camera giám sát giao thông.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, ma túy của tài xế xe khách.
Công an thành phố cần tiến hành mở đợt cao điểm, tập trung các tuyến đường, địa bàn trọng yếu, phức tạp, có biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến ô tô khách, ô tô tải, nhất là trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 14B, đường Nam hầm Hải Vân - Túy Loan, các tuyến đường đô thị...; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các lái xe tải, xe khách có liên quan đến nồng độ cồn, các chất kích thích, ma túy; tổ chức kiểm tra theo chuyên đề đối với hoạt động xe tải, xe tải ben, xe khách trên địa bàn thành phố…
“Sở GTVT sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông, tổ chức phân luồng giao thông, nhất là tại các nút giao thông phức tạp, các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, các nút giao giữa đường phụ ra đường chính, có biện pháp cảnh báo, khắc phục kịp thời”, ông Lê Văn Trung cho hay.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa ý thức tham gia giao thông của người dân, ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban ATGT thành phố cho biết, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT đến với người tham gia giao thông như lái xe đi đúng phần đường, làn đường, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện; không lái xe vượt quá tốc độ; đã uống rượu bia không lái xe; không sử dụng điện thoại khi lái xe; dừng xe quan sát an toàn khi qua đường ngang đường sắt và khi đi từ đường phụ ra đường chính.
Thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, nhằm kiểm soát tốt TTATGT, thời gian qua, phòng đã có các kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai các chuyên đề xử lý; trong đó, tăng cường xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, như: xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ; sử dụng nồng độ cồn khi tham gia giao thông…
Đến nay, lực lượng đã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm. “Thời gian tới, các đội nghiệp vụ, các trạm CSGT cửa ô tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về TTATGT tại các tuyến, địa bàn phụ trách. Ngoài ra, các thành viên tham gia trong lực lượng 911 tăng cường xử lý các hành vi vi phạm về an toàn giao thông và an ninh trật tự. Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, trật tự an toàn giao thông sẽ được kiểm soát tốt trong thời gian đến”, Thượng tá Lê Văn Lực cho hay.