Từ ngày 15/7 đến 14/8, Cảnh sát giao thông ra quân tổng kiểm tra xe khách hoạt động trên địa bàn thành phố. Đây là đợt tổng kiểm tra thứ 2 đối với xe khách từ đầu năm 2019 đến nay, nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với lái xe, phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn.
Cảnh sát giao thông tổng kiểm tra các phương tiện vận tải hành khách.
Nhiều sai phạm từ người điều khiển phương tiện
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2019 của Ban An toàn giao thông thành phố, số vụ tai nạn liên quan tới ô-tô vận tải hành khách trên địa bàn thành phố được kiềm chế; chủ yếu xảy ra giữa ô tô khách và xe mô tô. Nguyên nhân chính những vụ tai nạn này đến từ sự bất cẩn của những phương tiện mô tô hai bánh cùng lưu thông.
Sau hơn một tuần tiến hành tổng kiểm tra hoạt động các phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản 221 phương tiện vi phạm quy định an toàn giao thông, phạt tiền hơn 150 triệu đồng. Kết quả kiểm tra, xử lý cho thấy, lỗi vi phạm phổ biến là vận tải hành khách nhưng không có hợp đồng vận chuyển, xe lưu thông không đúng tuyến đường đăng ký. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Cường, lái xe của Công TNHH CTTC quốc tế Việt Nam (tỉnh Hà Nam), điều khiển xe ô tô mang BKS 29LD- 063.23 vận chuyển hành khách là công nhân một số doanh nghiệp từ trung tâm thành phố đến Cát Hải nhưng không đăng ký tuyến đường này. Anh Cường cho biết: Công ty trung gian thuê anh chở hành khách chuyên tuyến tại tỉnh Quảng Ninh. Thỉnh thoảng, anh nhận lệnh tăng cường nên không đăng ký tuyến từ trung tâm thành phố ra Cát Hải.
Đây là lỗi vi phạm xuất phát từ sự tắc trách, chủ quan của những đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Qua tìm hiểu được biết, việc vận chuyển hành khách được ký kết giữa 3 bên gồm đơn vị có xe vận tải, đơn vị trung gian (thường là các đại lý du lịch, công ty dịch vụ) và đơn vị hoặc cá nhân có nhu cầu vận chuyển. Hợp đồng giữa các bên khá lỏng lẻo theo kiểu "có khách thì chạy" nên việc giám sát chất lượng xe, giấy phép lái xe, kỹ năng lái xe đều được cam kết bằng "niềm tin". Thêm vào đó, các đơn vị vận chuyển thường tự điều động lái xe theo cơ chế "ai rảnh rỗi thì đi". Chính vì vậy, dẫn tới tình trạng lái xe bị giữ giấy phép lái xe, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn được điều động lái xe chở hành khách. Điển hình là trường hợp lái xe Đào Xuân Trường, của Công ty TNHH du lịch Niềm Tin (thành phố Hà Nội) điều khiển phương tiện vận tải hành khách từ Hà Nội đi bến phà Gót (huyện Cát Hải). Khi tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông số 4 (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt) kiểm tra, phát hiện lái xe không có bằng lái; xe ô tô mang BKS 29B- 140.40 hết hạn đăng kiểm.
Thu hồi giấy phép kinh doanh khi vi phạm nhiều lần
Để bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hành khách, trong đợt tổng kiểm tra phương tiện này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) kiểm tra tất cả các ô tô chở khách lưu thông qua địa bàn, tập trung vào những tuyến đường trọng điểm hoạt động vận tải hành khách như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 5, Quốc lộ 10, Tỉnh lộ 356, 359. Đây là đợt tổng kiểm tra thứ hai đối với ô tô khách từ đầu năm đến nay. Lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý những lỗi vi phạm liên quan tới lái xe và phương tiện như sử dụng ma túy, rượu bia khi lái xe, phương tiện hết hạn đăng kiểm...
Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4 Phòng Cảnh sát giao thông bộ - sắt Phạm Tuấn Anh cho biết: Trường hợp phải tạm giữ phương tiện, đơn vị trưng dụng những phương tiện vận tải hành khách cùng tuyến để chuyển tải, bảo đảm không ảnh hưởng tới lịch trình du lịch của hành khách, qua đó, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc tăng cường xử lý những lỗi vi phạm của phương tiện vận tải hành khách.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường xử phạt đối với lái xe cần xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải, chủ sở hữu phương tiện. Theo Điều 23 Nghị định 86/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đơn vị kinh doanh vận tải có hơn 10% số lái xe kinh doanh vận tải của đơn vị bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm phải tước Giấy phép lái xe có thời hạn sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp trong 1 năm có hơn 50% số xe hoạt động mà người lái xe vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn. Do đó, để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động vận tải hành khách, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn, cần xử lý nghiêm chủ các doanh nghiệp có lái xe vi phạm nhiều lần theo quy định. Mặt khác, trên các cung đường nếu xảy ra tai nạn đối với các ô tô không đủ điều kiện vận chuyển hành khách lái xe không đủ điều kiện tham gia giao thông cần gắn trách nhiệm đối với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên tuyến đường đó.
Bên cạnh đó, theo Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hoàng Anh Lê Thị Thanh Xuân cho rằng: Cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền an toàn giao thông cho đội ngũ lái xe cũng như chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách. Việc tuyên truyền nên hướng tới các hình thức phù hợp với đặc thù công việc lái xe như kênh phát thanh giao thông, tờ rơi phát tại các trạm dừng nghỉ, điểm thu phí giao thông. Qua đó, dần dần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, kiềm chế giảm tai nạn giao thông, tránh ùn tắc.