TP. Thanh Hóa: Năm học mới và sự biến tướng của tình trạng vi phạm pháp luật về giao thông

Thứ sáu, 01/10/2021 14:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những ngày đầu năm học mới 2021-2022 là thời điểm TP Thanh Hóa vừa kết thúc khoảng thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Học sinh các cấp đã được trở lại trường đi học, kèm với đó là nỗi lo về tình trạng vi phạm an toàn giao thông của một bộ phận không nhỏ các em học sinh.

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được
Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) thực hiện và duy trì có hiệu quả. Ảnh: Tư Liệu

Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, dừng đỗ, tụ tập lấn chiếm lòng lề đường... là những lỗi không khó để bắt gặp trước khu vực cổng các trường học, nhất là các trường THPT trên địa bàn TP Thanh Hóa. Điều này cho thấy ý thức của nhiều em học sinh về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi điều khiển các phương tiện xe máy, xe máy điện. Năm học mới nào các trường cũng đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh, tuy vậy, vẫn còn một bộ phận các em ý thức kém nên đã dẫn đến tình trạng vi phạm. Đáng lo ngại là vẫn còn tồn tại một bộ phận học sinh coi việc đi xe máy ra đường không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách... là “mốt” và cho rằng, đi xe ra đường mà “mũ mão” đầy đủ là “quê”. Đây chính là sự biến tướng trong suy nghĩ và hành vi vi phạm luật giao thông của không ít học sinh, thanh, thiếu niên.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là việc các gia đình mua sắm, trang bị phương tiện cho con em mình còn thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý và giám sát hàng ngày việc đi lại. Hơn nữa, không ít gia đình vẫn còn nuông chiều, mua sắm mô tô cho con em, trong khi vẫn chưa đủ tuổi theo quy định. Những năm trước kia, nếu như xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện chủ yếu của các em học sinh đi đến trường, thì nay, nhiều gia đình đã chuyển hướng mua xe máy, mô tô. 2 năm gần đây, tỷ lệ học sinh đi xe máy đến trường tăng mạnh, trong đó bao gồm cả xe máy và mô tô. Đáng nói là, gần đây, nhiều gia đình đã tìm mua xe máy cũ (đa phần là xe 100 phân khối trở lên) làm phương tiện cho con em tới trường, đi học thêm... Có một điều chắc chắn đó là các em chưa đủ tuổi theo quy định để điều khiển mô tô, đồng nghĩa với việc chưa có giấy phép lái xe, chưa được học về Luật Giao thông đường bộ.

Mô hình “Cổng trường an toàn” được Trung ương Đoàn triển khai thực hiện trong khoảng 20 năm qua và đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó chú trọng ở các địa phương, địa bàn nóng về vấn đề an toàn giao thông. Trên địa bàn TP Thanh Hóa, mô hình này chủ yếu triển khai thực hiện tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên – giáo dục nghề nghiệp, THCS và đã đem lại những hiệu quả nhất định, góp phần giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về chấp hành Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Các trường đều xây dựng kế hoạch, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tổ chức các hoạt động, tuyên truyền, các diễn đàn, hội thi hàng năm về chủ đề an toàn giao thông. Với vai trò xung kích, đoàn viên, thanh niên của các trường đều bố trí lập hàng rào an toàn vào đầu và cuối buổi học để điều tiết giao thông, đồng thời nhắc nhở học sinh chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Mặc dù vậy, trong vài năm trở lại đây, mô hình “Cổng trường an toàn” không còn được quan tâm như trước. Nhiều trường vẫn treo biển nhưng trên thực tế lại không còn triển khai nữa. Ví dụ điển hình nhất là tại một số trường THPT trên địa bàn TP Thanh Hóa. Qua khảo sát thực tế, hiện chỉ còn Trường THPT Nguyễn Trãi vẫn duy trì tốt mô hình này. Bí thư đoàn trường THPT Nguyễn Trãi, Lưu Thị Thắng cho biết: Mô hình “Cổng trường an toàn” được nhà trường triển khai từ năm 2002 và đã từng được Trung ương Đoàn khen thưởng vào năm 2004.

Đến nay, dù đã trải qua nhiều thế hệ học sinh nhưng mô hình này vẫn được duy trì và thực hiện tốt. Nhà trường đã thành lập đội xung kích an toàn giao thông với sự tham gia của hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên là các em học sinh tham gia hàng năm. Hình ảnh lực lượng đoàn viên, thanh niên của nhà trường lập hàng rào bảo đảm an toàn giao thông vào giờ tan học đã trở nên quen thuộc. Nhà trường năm nào cũng phối hợp tổ chức các chương trình, hoạt động tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh bằng nhiều hình thức như sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt khối – lớp, hội thi, hội diễn, hoạt động của đoàn thanh niên... Nhà trường cũng phối hợp với lực lượng CSGT, các gia đình kịp thời nhắc nhở, giáo dục các em học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ”.

Để ngăn chặn sự biến tướng của tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh hiện nay, lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm khắc tất cả các hành vi, các trường hợp vi phạm, đồng thời gửi thông báo về các trường. Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm của các em học sinh khi điều khiển xe mô tô chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, đặc biệt là hành vi như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người, đi thành nhiều hàng ngang, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép...

Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường và gia đình trong việc giáo dục các em học sinh cũng cần được tăng cường, thực hiện nghiêm túc. Các em học sinh cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức, qua đó tự nâng cao ý thức của bản thân khi tham gia giao thông. Có như vậy mới xây dựng môi trường học đường thực sự an toàn, lành mạnh, không để xảy ra tai nạn giao thông, không để lại những nỗi đau cho gia đình, góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục toàn diện của các nhà trường.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)