Qua hơn 03 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những chuyển biến tích cực; trong đó đáng chú ý là không xảy ra đua xe trái phép và ùn tắc giao thông kéo dài, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ảnh minh họa – Nguồn: Chinhphu.vn
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 131 vụ tai nạn giao thông, làm chết 100 người, làm bị thương 72 người; nhận định tình hình tai nạn giao thông từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp, với nhiều khó khăn và thách thức trong việc kiềm chế, kéo giảm đối với 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2022.
Do đó, ngày 23/8, UBND tỉnh đã ban hành công văn tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông với chủ đề Năm an toàn giao thông “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Theo đó, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, nhất là thực hiện quyết liệt theo nội dung của Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban và Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ.
Công an tỉnh thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời về tình hình trật tự an toàn giao thông, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan cho các ngành liên quan để chỉ đạo, phối hợp triển khai, thực hiện; Phối hợp với các cơ quan quản lý đường bộ, đường thuỷ nội địa và chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra các điều kiện trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường bộ, bến phà, bến khách ngang sông,...; Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa bàn phụ trách, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát hoàn thiện chương trình, tài liệu giảng dạy, thường xuyên cập nhật thông tin, đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông vào chương trình chính khóa dưới hình thức tích hợp vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông; Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phối hợp với chính quyền các cấp, lực lượng Công an tại địa phương thực hiện tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông và phối hợp triển khai, nhân rộng Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình của tỉnh nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả các chuyên mục, tin, bài; Tăng thời lượng, số lượng tin, bài tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là vào thời gian khai giảng năm học mới, trước, trong các ngày nghỉ Lễ, Tết; cảnh báo các nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông, chế tài xử lý nếu vi phạm để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của người tham gia giao thông.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt cán bộ, đảng viên công chức, viên chức và người lao động gương mẫu, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thực hiện cam kết không điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia; nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, cam kết chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông.