Chiều 8/5, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục CSGT (Bộ Công an) và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) tổ chức Hội nghị sơ kết Kế hoạch hành động số 419/KH-UBATGTQG về thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em năm 2015. Theo đó, tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ học sinh đội MBH tăng trung bình từ 38% (tháng 3/2014) lên 68% sau đợt cao điểm.
Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em được phát động từ tháng 1/2015 và đã được các bộ, ngành, Ban ATGT tỉnh, thành phố và các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong thời gian thực hiện cao điểm (từ ngày 6-10/4/2015), tạo được sức mạnh tổng hợp cùa cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện quy định đội MBH đối với trẻ em.
Hội nghị sơ kết Kế hoạch hành động thực hiện đội MBH đối với trẻ em năm 2015
Theo Cục CSGT, trong đợt cao điểm (từ ngày 06 - 10/4/2015), lực lượng CSGT toàn quốc đã tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá việc thực hiện quy định đội MBH đối với 23.464 trường hợp vi phạm; lập biên bản 6.663 trường hợp; tạm giữ 311 phương tiện và phạt tiền 432,615 triệu đồng. Khảo sát độc lập của Quỹ AIP tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ học sinh đội MBH tăng trung bình từ 38% (tháng 3/2014) lên 68% sau đợt cao điểm.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, công tác tuyên truyên sâu rộng, kịp thời, đúng đối tượng kết hợp với công tác theo dõi, giám sát thường xuyên thông qua nhà trường cùng với việc triển khai đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng CSGT trên phạm vi toàn quốc bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em.
Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng đánh giá với sự vào chỉ đạo quyết liệt
của Ủy ban ATGTQG và cả hệ thống chính trị, xã hội bước đầu đã tạo được những chuyển biến
tích cực trong nhận thức, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về đội MBH đối với trẻ em
“Việc kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở trước khi xử lý vi phạm đã có tác dụng tích cực, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cộng đồng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy định đội MBH cho trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bà Mirjam Sidik - Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ AIP cho biết, tỷ lệ học sinh đội MBH tăng từ 38% lên 68% tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sau đợt cao điểm là một con số có ý nghĩa lớn lao và thiết thực nhất hưởng ứng Tuần lễ ATGT đường bộ toàn cầu lần này. Chúng tôi hết sức tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban ATGT Quốc gia và sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cá các cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan, trong giai đoạn triển khai kế hoạch tiếp theo tỷ lệ học sinh đội MBH sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua đó là sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội; sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, các đơn vị trường học và những thông tin nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả các cơ quan thông tin đại chúng.
Tuy nhiên, theo ông Ngũ Duy Anh, bài học cần thiết nhất vẫn là chính bản thân mỗi đơn vị cần chủ động, tích cực trong mỗi hoạt động, chủ động đề xuất các cơ quan, các lực lượng cùng hỗ trợ thực hiện; duy trì thường xuyên trong chỉ đạo, trong kiểm tra, trong xử lý vi phạm; đồng thời Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo cụ thể hơn nữa, có những quy định chặt chẽ hơn nữa để các cơ quan, đơn vị vào cuộc đạt hiệu quả bền vững.
Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng, Đại sứ Chương trình - NSƯT Chí Trung
cùng các đại biểu dự Hội nghị ký cam kết hành động vì an toàn giao thông cho trẻ em
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, năm học 2014 - 2015 ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với quy mô 2.574 trường, 1.664.195 học sinh và 126.472 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó số học sinh tuổi mẫu giáo và tiểu học phải có người thân đưa đón đến trường 961.891 em. Số học sinh THCS 362.453 em, học sinh THPT 188.401 em. Phương tiện học sinh tham gia giao thông đến trường bằng xe gắn máy, xe đạp điện đầu năm 2015 cấp tiểu học 403.429 em, cấp THCS 251.385 em.
Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT; tiếp tục thực hiện hiệu quả Năm Trật tự và văn minh đô thị, đồng thời chủ động chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp giáo dục ATGT, đặc biệt là những quy định của pháp luật về đội MBH đạt chuẩn cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe đạp máy, xe máy điện.
Xuân Nguyên