Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) được các cấp ngành, địa phương đẩy mạnh gắn với chủ đề năm ATGT 2023 “Thượng tôn pháp luật xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.
Đặc biệt, các hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số được đẩy mạnh, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, lan tỏa các thông điệp về văn hóa giao thông trong cộng đồng.
Tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho công nhân lao động
Ban ATGT tỉnh, các cơ quan thành viên, Ban ATGT các huyện, thành, thị đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, chú trọng những nội dung được dư luận xã hội quan tâm như: Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; công tác đăng ký đăng kiểm phương tiện; phổ biến, cung cấp dịch vụ công toàn trình đổi giấy phép lái xe; quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, biển số định danh; đăng ký, dịch vụ cấp biển số xe qua đấu giá...
Đồng thời, công tác tuyên truyền tập trung các chuyên đề: Văn hóa, ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh; xử lý vi phạm về tốc độ; người điều khiển phương tiện vi phạm trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; xe chở quá tải trọng phương tiện... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng, địa phương đã chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về ATGT với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể về nhận thức của từng đối tượng, đưa công tác tuyên truyền văn hóa giao thông đi vào thực chất.
Các cơ quan truyền thông; Báo Phú Thọ, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã có nhiều tin, bài tuyên truyền công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh trong triển khai, thực hiện công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; linh hoạt phương thức tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội.
Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, trường học kết hợp vận động, hướng dẫn, lồng ghép việc thực hiện mục tiêu bảo đảm TTATGT với các chương trình, kế hoạch hoạt động... trên các trang mạng nội bộ, nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo... qua đó tạo kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhanh chóng, kịp thời.
Công an tỉnh thông qua công tác tuần tra kiểm soát đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cho trên 50.000 lượt người tham gia giao thông; yêu cầu 1.200 chủ bến, chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; phối hợp cơ quan truyền thông xây dựng, đăng tải phóng sự, bài viết tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT; phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi 1,6 triệu tin nhắn SMS phổ biến pháp luật về giao thông gắn với thông báo thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, “An toàn cho bạn và cho mọi người”; tổ chức vận động trên 850 nhà hàng, quán ăn, phòng hát karaoke tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia...
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm TTATGT, lồng ghép giáo dục ATGT vào các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường ATGT”, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa giao thông trong trường học.
Theo ông Nguyễn Văn Danh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thời điểm cuối năm, để đảm bảo TTATGT, giảm thiểu TNGT, Ban ATGT tỉnh, các cơ quan thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị, thành tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT dưới nhiều hình thức nhằm xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, mỗi người dân hãy bắt đầu hình thành văn hóa giao thông cá nhân bằng những hành động chấp hành nghiêm quy định pháp luật về TTATGT, tham gia tuyên truyền để lan tỏa những hành động đẹp, phê phán những hành vi vi phạm giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh và thân thiện./.