Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Cần sát thực tế

Thứ năm, 09/10/2014 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
"Cướp” đi sinh mạng của trên dưới 10.000 người, làm hàng chục nghìn người khác bị thương, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta đang là nỗi đau, nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là giải pháp quan trọng kiềm chế, đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này. Liên quan đến công tác này, vừa qua, tại tỉnh Thái Bình, đại biểu cán bộ Mặt trận, ngành chức năng đến từ 5 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, và không ít những trăn trở, lo lắng…

"Cướp” đi sinh mạng của trên dưới 10.000 người, làm hàng chục nghìn người khác bị thương, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta đang là nỗi đau, nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là giải pháp quan trọng kiềm chế, đẩy lùi vấn nạn nhức nhối này. Liên quan đến công tác này, vừa qua, tại tỉnh Thái Bình, đại biểu cán bộ Mặt trận, ngành chức năng đến từ 5 tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Hồng đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm, và không ít những trăn trở, lo lắng…

Quyết tâm chính trị

Theo ông Vũ Đức Hạnh-Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Thái Bình, đảm bảo TTATGT đang là quyết tâm chính trị của toàn tỉnh. Đơn cử, hàng tháng, Ban ATGT tỉnh đều thực hiện giao ban. Tại đây, từng vụ TNGT xảy ra trên địa bàn trong tháng đều được các thành viên "mổ xẻ” kỹ lưỡng nguyên nhân, trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan. Đặc biệt, các cá nhân vi phạm, bị xử phạt đều bị công khai danh tính trên mạng liên thông của tỉnh. Còn theo ông Phạm Quang Đức-Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Thái Bình, đến nay tỉnh đã thành lập 432 tổ tự quản ATGT tại khu dân cư. Tuy nhiên, qua theo dõi, đánh giá chưa có nhiều trong số các tổ tự quản này hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, mới đây tỉnh đã quyết định áp dụng việc trợ cấp kinh phí cho thành viên một số tổ tự quản hoạt động hiệu quả nhằm động viên, khuyến khích. Theo đó, thành viên của 14 tổ tự quản (mỗi tổ 4-5 thành viên) trong tỉnh được đánh giá hoạt động thường xuyên, hiệu quả đã được nhận trợ cấp, với mức 575.000 đồng/người/tháng (½ tháng lương cơ bản), lấy từ nguồn chi thường xuyên của Ban ATGT tỉnh…

Khắc phục những bất cập

Từ thực tế làm công tác vận động, tuyên truyền ở khu dân cư, ông  ông Trần Văn Thái - Chủ tịch UB MTTQ xã Kim Anh (Kim Thành-Hải Dương) phản ánh: Lâu nay các địa phương hay áp dụng hình thức tuyên truyền bằng cách mời người dân ra trụ sở xã để tuyên truyền, phổ biến. Theo ông Thái hình thức này không hiệu quả. Bởi lẽ, bà con đa số đều bận rộn, nên không có nhiều người dân đến dự. Ông Thái cho rằng, để tuyên truyền, vận động hiệu quả, cán bộ Mặt trận phải "đi từng nhà, rà từng đối tượng”. Đây cũng chính là phương châm MTTQ xã Kim Anh áp dụng thời gian qua, thu được kết quả tốt.  

Trong khi đó Trưởng Ban Phong trào UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu một thực tế tại không ít khu dân cư dù 100% số hộ đã ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm ATGT nhưng vẫn có người vi phạm, bị xử lý. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc này có nguyên nhân khi tổ chức cho người dân ký cam kết, Mặt trận cơ sở chỉ mời đại diện hộ ký, không ít đại diện hộ ký cam kết là người già, ít tham gia giao thông, các thành viên khác trong gia đình có tham gia giao thông nhưng lại không trực tiếp ký. Từ đó, bà Hà cho rằng cần thực hiện việc ký cam kết tới tất cả các thành viên trong gia đình có sử dụng phương tiện, tham gia giao thông. 

Đánh giá cao việc tỉnh Thái Bình thực hiện trợ cấp cho thành viên một số tổ tự quản ATGT ở khu dân cư, tuy nhiên nhiều đại biểu băn khoăn mức trợ cấp, liệu có duy trì được lâu không, lấy từ nguồn nào để trợ cấp, nhất là trong trường hợp áp dụng trợ cấp cho tất cả thành viên các tổ tự quản đã được thành lập? Liên quan đến việc này, Trưởng Ban Phong trào UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ: Ở một số địa phương phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai việc này đã được thực hiện bằng phương châm xã hội hóa.

Tham dự buổi tọa đàm, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Vũ Quý Phi cho rằng, công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giữa hai bên không chỉ cần thường xuyên, liên tục mà cần có sự đổi mới, đảm bảo phù hợp, sát thực. Ông Phi đề nghị, ngoài tuyên truyền, vận động, MTTQ các cấp cần phát huy chức năng, vai trò giám sát, nhất là giám sát các cơ quan nhà nước trong việc thực thi công tác đảm bảo ATGT…

Nguồn: daidoanket.vn
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)