Phớt lờ cảnh báo, xử lý của các cơ quan chức năng, không ít hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động những nghề mưu sinh trên sông được xem là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm.
Phớt lờ cảnh báo, xử lý của các cơ quan chức năng, không ít hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động những nghề mưu sinh trên sông được xem là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão hàng năm.
Lực lượng chức năng của tỉnh kiểm tra điều kiện hoạt động của các bến đò dọc tuyến kênh xáng Xà No.
Trăn trở chuyện mưu sinh vùng sông nước
Vốn mang đậm dấu ấn riêng của vùng sông nước Cửu Long nên hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh khá chằng chịt. Chính nét đặc thù này đã tạo ra những lợi thế nhất định về mặt giao thương hàng hóa, canh tác nông nghiệp, thậm chí là mưu sinh bằng các nghề truyền thống trên sông. Trong đó có nghề đưa đò, khai thác nguồn lợi thủy sản đã và đang nuôi nấng bao thế hệ. Tuy nhiên, các hoạt động mưu sinh kể trên lại tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường thủy. Vì thế, các cơ quan chức năng địa phương, lẫn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn ẩn họa bất ngờ từ những chuyến đò ngang, đáy cá trên sông nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Huyện Châu Thành A hiện có khoảng 22 bến đò ngang, tập trung chủ yếu dọc theo tuyến kênh xáng Xà No. Thế nhưng, chỉ có 16 bến được huyện cấp phép, số còn lại đều hoạt động “chui”. Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A Hồ Hoàng Ưng băn khoăn: Xử lý quyết liệt quá thì con em, học sinh, người dân qua lại bằng cách nào? Đặc biệt là các bến đã hoạt động lâu năm, và đang trở thành nguồn thu nhập chính đối với gia đình chủ đò. Khi bị cấm hoạt động thì đời sống của họ sẽ sao? Ngặt nỗi, không sớm giải quyết dứt điểm các bến không phép thì nguy cơ trong mùa mưa bão là rất cao. Bởi phần lớn phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.
Cũng vì chuyện mưu sinh mà không ít hộ dân ở thị xã Ngã Bảy bám trụ với nghề đáy cá. Theo đó, trên địa bàn thị xã còn tồn tại 10 đáy cá trên sông Cái Côn. Từ đó, không chỉ gây ách tắc dòng chảy mà còn thu hẹp khoảng cách lưu thông, gián tiếp gây ra tình trạng mất an toàn giao thông cho các phương tiện trên sông. Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy Nguyễn Đăng Hải thừa nhận: Đáy cá là một trong số những cái khó giải quyết trong công tác phòng chống thiên tai ở địa phương. Mặc dù thị xã đã tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ để động viên, đối thoại nhưng người dân đều không chịu tháo dỡ. Do họ chưa thỏa mãn với chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác.
Cần giải pháp ứng phó “căn cơ” hơn
Thực tế là mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho mỗi hộ làm nghề đáy cá hiện còn quá nhỏ bé so với chi phí đầu tư ban đầu mà người dân ước tính ở vào khoảng 100 triệu đồng/đáy. Ông Nguyễn Đăng Hải thông tin: Cách đây 2 năm, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp 5 triệu đồng/hộ. Chính sách thì phía địa phương có thực hiện, nhưng theo ý kiến của người trong cuộc thì mức hỗ trợ không đảm bảo được cuộc sống sau khi họ tháo dỡ đáy cá và chuyển đổi sang nghề nghiệp khác. Trong khi đó, khi triển khai thực hiện các biện pháp chế tài thì phía địa phương cũng không đảm bảo đầy đủ được yêu cầu về chức năng, thẩm quyền xử lý.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hậu Giang Nguyễn Hữu Trí cho rằng: Trước đây chưa có quy hoạch tổng thể bến đò khách ngang sông và phân cấp cho địa phương cấp phép hoạt động. Từ đó, nhiều hộ dân tranh nhau mở bến, khiến cho tình hình càng thêm phức tạp. Cho nên, trong thời gian tới, các địa phương cần căn cứ theo quy hoạch và tiêu chí quy định, đồng thời phối hợp với các ngành chuyên môn của tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý tình trạng các bến đò ngang không phép. Ngoài ra, ông Trí đề xuất, tỉnh cần xem xét lại mức hỗ trợ thật sự hài hòa, tương xứng để giúp người dân sinh sống bằng nghề đáy cá sớm chuyển đổi sang nghề khác.
Tại buổi tổng kết công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2013 của tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị có liên quan phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao cho Sở Giao thông vận tải Hậu Giang tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân, tạo điều kiện ổn định cuộc sống trong việc tháo dỡ các đáy trên sông. Cũng như hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời các bến đò dọc, đò ngang hoạt động không đảm bảo an toàn giao thông; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá số người quy định, nhất là các bến đò có lượng học sinh qua lại đông, tránh để tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: Báo Hậu Giang