Bắc Ninh: Học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT

Thứ ba, 12/03/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Luật Giao thông đường bộ quy định những người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải trên 14 tuổi và bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Luật đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay, nhưng nhiều người điều khiển loại phương tiện này (chủ yếu là các em HS-SV) vẫn làm ngơ không chấp hành. Tình trạng HS-SV điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở 3 người, lượn lách đánh võng đang ngày trở nên phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Luật Giao thông đường bộ quy định những người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phải trên 14 tuổi và bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Luật đã có hiệu lực từ hơn 2 năm nay, nhưng nhiều người điều khiển loại phương tiện này (chủ yếu là các em HS-SV) vẫn làm ngơ không chấp hành. Tình trạng HS-SV điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chở 3 người, lượn lách đánh võng đang ngày trở nên phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.

Vài năm trở lại đây, sử dụng xe đạp điện đã trở thành trào lưu trong giới trẻ. Với rất nhiều ưu điểm như không gây tiếng ồn, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường, người điều khiển lại không cần giấy phép lái xe... nên loại phương tiện này đang là sự lựa chọn hàng đầu của các gia đình cho con em thuận tiện đến trường. Ngoài những ưu thế nổi bật, xe đạp điện cũng có nhược điểm đáng lưu ý như không đảm bảo kỹ thuật ATGT khi lưu thông với tốc độ cao (40-50 km/h) và những người điều khiển xe đạp điện vẫn chỉ đơn thuần nhận thức loại phương tiện này giống như một loại xe đạp thông thường, dẫn đến ý thức chấp hành luật lệ ATGT không cao.

Dạo một vòng quanh các cửa hàng kinh doanh xe đạp điện tại phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) có thể thấy hàng trăm loại xe với mẫu mã, kích thước và xuất xứ khác nhau như: Yamaha, Honda, Midata, Delta, Viha... Các sản phẩm này có giá dao động từ 5-15 triệu đồng, loại xe có xuất xứ từ Trung Quốc giá thành và chất lượng thấp hơn, chỉ từ 3-5 triệu đồng. Chủ cửa hàng kinh doanh xe Khiêm Huyền trên đường Nguyễn Trãi cho biết: “Thông thường sự khác biệt về giá phụ thuộc vào loại tích trữ năng lượng chạy xe. Các xe có xuất xứ từ Trung Quốc mặc dù mẫu mã bắt mắt, giá rẻ hơn cả xe nội địa nhưng chất lượng bình ắc quy đa số là không tốt. Vào những đợt cao điểm như bước vào năm học mới, lượng xe tiêu thụ của cửa hàng tăng mạnh, trung bình mỗi ngày khoảng 10-20 chiếc”.

Do lượng người sử dụng ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự ATGT. Hiện tại việc quản lý xe đạp điện còn chưa thống nhất nên những số liệu đánh giá cụ thể về loại phương tiện này chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều loại xe không đạt tiêu chuẩn, không có đèn, xi-nhan... vẫn được bày bán tràn lan. Một vấn đề bất cập nữa, là dù một chiếc xe đạp điện có giá đến hơn chục triệu đồng, song nếu xảy ra mất xe thì chủ phương tiện cũng khó có thể tìm lại do xe không đăng ký biển kiểm soát.

Đứng trước cổng trường THPT Hàn Thuyên vào giờ tan học, không khó để nhìn thấy hình ảnh các em học sinh đầu trần, dàn hàng ngang, nô đùa khi điều khiển xe đạp điện. Có em vừa đi vừa cầm ô, nhiều xe hồn nhiên chở 3, kéo đẩy các phương tiện khác, vượt đèn đỏ… Đây là những hành vi vi phạm trật tự ATGT, ảnh hưởng đến ý thức chấp hành luật pháp của các em sau này. Thực trạng đó khiến nhiều người khi tham gia giao thông không khỏi bức xúc.

Trước thực tế đó, Công an thành phố Bắc Ninh đã mở đợt cao điểm, xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với các chủ phương tiện điều khiển xe đạp điện. Huy động tối đa lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các em học sinh THPT. Theo quy định của Nghị định 34/NĐ-CP, mức phạt đối với người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách là 100.000 - 200.000 đồng (với người trên 18 tuổi). Nhưng với đối tượng trong độ tuổi 16-18 chỉ chịu 50% mức phạt này, còn người dưới 16 tuổi thì bị phạt cảnh cáo và bị tạm giữ xe 10 ngày.

Khó khăn lớn nhất trong quá trình xử lý vi phạm của cơ quan chức năng là đối tượng điều khiển thường là học sinh, nhận thức còn hạn chế và không có tiền nộp phạt, các hình thức xử lý hiện tại chỉ mang tính chất răn đe, cảnh cáo. Vai trò của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục HS-SV nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ là vô cùng quan trọng.

Theo Trung tá Nguyễn Đình Mạnh (Đội trưởng Đội CSGT, Công an thành phố Bắc Ninh): “Trong thời gian qua, ngành Công an và Giáo dục đã phối hợp, tuyên truyền, mạnh tay xử lý những học sinh đi xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT như yêu cầu viết bản kiểm điểm, cảnh cáo trước toàn trường, xử lý hành chính, tạm giữ phương tiện... Song song với đó là tổ chức ký cam kết trách nhiệm với nhà trường và từng em học sinh, phối hợp với các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền… và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực”.

Các biện pháp xử lý HS-SV đi xe đạp điện vi phạm ATGT của lực lượng CSGT đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Việc làm này không chỉ góp phần giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn mà còn làm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành giao thông của HS-SV. Tuy nhiên, để các em điều khiển xe đạp điện chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không chỉ cần đến sự vào cuộc của lực lượng chức năng mà rất cần sự quan tâm tuyên truyền, giáo dục của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)