Nhìn lại Năm an toàn giao thông: Chuyển biến nhưng thiếu bền vững

Thứ năm, 17/01/2013 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Kết quả năm 2012 - Năm an toàn giao thông, trên địa bàn TPHCM xảy ra 882 vụ tai nạn giao thông, làm chết 745 người và bị thương 351 người. So với năm 2011, TNGT đã giảm 101 vụ, giảm 93 người chết và 110 người bị thương. Ùn tắc giao thông cũng có chuyển biến khả quan và giảm đến 29 vụ (giảm 93,5%). Tuy nhiên, với tình hình phát triển của phương tiện và ý thức tham gia giao thông như hiện nay thì kết quả nêu trên vẫn thiếu tính bền vững.
Kết quả năm 2012 - Năm an toàn giao thông, trên địa bàn TPHCM xảy ra 882 vụ tai nạn giao thông, làm chết 745 người và bị thương 351 người. So với năm 2011, TNGT đã giảm 101 vụ, giảm 93 người chết và 110 người bị thương. Ùn tắc giao thông cũng có chuyển biến khả quan và giảm đến 29 vụ (giảm 93,5%). Tuy nhiên, với tình hình phát triển của phương tiện và ý thức tham gia giao thông như hiện nay thì kết quả nêu trên vẫn thiếu tính bền vững.

Đến thời điểm này, công tác tổ chức giao thông tại TPHCM đã khai thác được hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện hữu. Năm qua, dù kinh tế cả nước nói chung và thành phố nói riêng còn khó khăn, nhưng chính quyền thành phố đã chú trọng đầu tư 230 tỷ đồng để thực hiện các công trình trọng tâm. Đó là việc hoàn thành hàng loạt các công trình, nút giao thông Gò Dưa, cầu Đinh Bộ Lĩnh, cầu Phú Long, Mỹ Thủy, Rạch Chiếc… góp phần phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Điều đáng phấn khởi, theo tiến độ thi công, trong vài ngày tới, cầu vượt bằng thép tại ngã tư Thủ Đức, vòng xoay Hàng Xanh sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các công trình này sẽ ít nhiều góp phần vào công tác điều hòa giao thông tại khu vực được xem là “điểm đen” về ùn tắc và TNGT của thành phố. Không ít người dân thành phố đang đón chờ tin vui này và xem đây là chuyển biến đột phá đầu tiên của thành phố trong năm 2013.

Bà Vũ Bích Loan, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh, tâm sự: “Tôi năm nay đã ngoài 50 tuổi. Ngần ấy thời gian qua lại khu vực vòng xoay Hàng Xanh, nhưng chưa bao giờ tôi phấn khởi như lúc này. Việc khánh thành và đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép tại nút giao thông này sẽ góp phần giải quyết được 2 vấn đề của người dân ở khu vực này là ùn tắc và tai nạn”.

Ô tô lấn chiếm phần đường của xe gắn máy, một trong những hành vi nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an toàn giao thông.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, sự thông thoáng chỉ ổn định tại vòng xoay Hàng Xanh, còn suốt tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ vòng xoay đến chân cầu Bình Triệu thì vẫn bất an. Lề đường quá nhỏ hẹp và bị chiếm dụng bày biện hàng hóa, để xe gắn máy… bởi hàng trăm cửa hàng, quán ăn suốt đoạn đường này. Người đi bộ không còn cách nào khác đành “cắn răng, bấm bụng” lưu thông chung với hàng ngàn phương tiện xe gắn máy đang lưu hành trên đường. Tình hình luồng chưa thông, lề chưa thoáng còn diễn ra khá phổ biến, không những trong giờ cao điểm mà bất kể thời điểm nào tại khu vực bệnh viện Chợ Rẫy, Từ Dũ, Đại học Y Dược, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Bệnh viện 115…

Không thể không ghi nhận sự tích cực và quyết liệt của toàn hệ thống chính trị trong việc lập lại trật tự ATGT. Tại thời điểm này, ở nhiều giao lộ, tuyến đường đều túc trực sự có mặt của lực lượng điều hòa giao thông. Theo ghi nhận, không những có sự có mặt của CSGT, TNXP mà còn có màu áo của Cảnh sát cơ động, dân quân, đoàn viên và cả công an quận, huyện, phường, xã. Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM còn tăng cường nữ CSGT tham gia công tác điều hòa giao thông ở các giao lộ và tuần tra, dẫn đoàn khách quốc tế.

Anh Lê Thanh Phong, nhà ở quận 6, cho biết: “Sự có mặt của các nữ CSGT ở các giao lộ đã phần nào làm thành phố rạng rỡ hơn và lưu thông cũng ổn định hơn. Không phải riêng tôi, mà hình như ai lưu thông đến giao lộ đều chấp hành tốt hơn. Chạy chậm lại và dừng đúng vạch!”.

Điểm đáng ghi nhận, thời gian qua, chính quyền thành phố đã đầu tư kinh phí xây dựng dải phân cách trên các tuyến quốc lộ và nhiều tuyến đường.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, tiểu thương chợ đầu mối rau quả Thủ Đức, cho biết: “Do công việc kinh doanh, tôi thường xuyên đi lại trên tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 13. Kể từ khi có dải phân cách, tình hình đã có chuyển biến, TNGT giảm đáng kể. Khác với trước kia, ngày nào cũng xảy ra tình trạng va quẹt và TNGT”.

Tuy nhiên, qua ghi nhận, ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa chuyển biến như mong muốn, dù các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan chức năng liên tục vận động bằng nhiều hình thức. Tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu, lấn tuyến của người tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến đường. ô tô - nhất là taxi - vẫn lấn tuyến xe gắn máy và tạo bất ổn thật sự.

Thậm chí, trong giờ cao điểm, các chủ phương tiện xe gắn máy vẫn vô tư lao lên lề, lấn chiếm luôn phần đường của người đi bộ. Do chưa có tuyến đường riêng, xe buýt ra vào bến đã lấn chiếm hết phần đường của xe gắn máy. Đặc biệt, các phương tiện xe 3 bánh chở hàng cồng kềnh, bất chấp giờ cấm, đường cấm, nhưng chưa thấy lực lượng chức năng kiên quyết xử lý.

Chính những yếu tố nêu trên mà trong một cuộc họp giao ban trực tuyến gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định số vụ TNGT đã giảm nhưng còn thiếu tính bền vững.

Theo báo SGGP

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)