Lái xe uống rượu, bia và điều khiển phương tiện đang là nguyên nhân chính gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thế nhưng, đây lại là lỗi vi phạm khó xử lý nhất, bởi thiếu phương tiện nghiệp vụ, lái xe lại không chịu hợp tác… Trước thực tế đó, Quỹ Bloomberg đã tài trợ kinh phí, phương tiện tác nghiệp để thực hiện Dự án “Phòng, chống uống rượu, bia lái xe”. Đây sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông từ rượu bia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Dự án “Phòng chống uống rượu, bia và lái xe” do Ủy ban ATGT Quốc gia điều phối với sự tham gia của các đối tác quốc tế như: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu (GRSP), Đại học Johns Hopkins (JHU), được thực hiện tại Bắc Ninh trong thời gian 2 năm, bắt đầu từ tháng 5- 2012.
Mục tiêu chính của Dự án nhằm tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cũng như tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư đối với quy định này. Nâng cao hơn nữa vai trò của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong công tác phối hợp phòng, chống lạm dụng rượu, bia tham gia giao thông. Và quan trọng nhất là việc tăng cường năng lực cưỡng chế thực thi các quy định của pháp luật về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện để làm thay đổi nhận thức, hành vi của các lái xe trên đường.
Thượng tá Nguyễn Đức tân, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: “ Trong quá trình tuần tra, kiểm soát cho thấy rất nhiều đối tượng sử dụng rượu, bia vượt mức cho phép, nhưng tỷ lệ xử lý lại rất thấp, bởi máy đo nồng độ cồn khó sử dụng. Lái xe phải thở rất sâu vào máy mới cho ra được kết quả chính xác. Biết được điều đó nên nhiều lái xe vi phạm chỉ ngậm, hoặc thở lấy lệ, thường thì không thể ép được họ làm việc này. Chính vì vậy mà vẫn phổ biến các lỗi vi phạm về nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện”. Dự án “phòng, chống uống rượu, bia và lái xe” sẽ là cơ hội để giảm thiểu tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân đối với rượu, bia và ATGT. Khi tham gia Dự án này, Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ về tài liệu tuyên truyền, 8 máy đo nồng độ cồn hiện đại cùng với các hoạt động tập huấn nghiệp vụ, năng lực cưỡng chế hành vi lạm dụng rượu, bia…
Sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy đã mang lại tính hiệu quả trong việc xử lý đối tượng vi phạm, bởi máy đo nồng độ cồn được tài trợ rất hiệu quả. Đối với các phần việc khác như tuyên truyền, tập huấn, rán pano, áp phích cảnh báo việc dụng rượu, bia… cũng bắt đầu khởi động trong tháng 6 này. Dự án được kết hợp với sự nỗ lực của ngành chức năng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo đảm ATGT chung và hạn chế những nguy cơ mất ATGT do rượu, bia gây ra.
Theo báo Bắc Ninh