Tai nạn giao thông ở TP HCM tăng vọt do ý thức kém

Thứ tư, 01/06/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban an toàn toàn giao thông TP HCM cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông tăng vọt trong thời gian vừa qua chủ yếu do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chưa cao. Cụ thể như lưu thông không đúng phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu, người bộ hành trèo qua dải phân cách, chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ...
17h chiều trên đường Lê Thị Riêng, quận 12, chiếc xe tải ầm ầm lao tới đã cán chết cậu học sinh lớp 5 khi em vừa ra khỏi cổng trường 500 m. Cùng ngày, ít nhất 3 vụ tai nạn khác đã xảy ra trên địa bàn TP HCM.
Cũng trong ngày 26/5, tại quốc lộ 1A (đoạn thuộc phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức), chiếc xe ben 15 tấn chở đầy đất đá xây dựng mất thắng lao vào căn nhà giữ trẻ. Toàn bộ cửa sắt đổ sập, nhiều tài sản trong nhà bị hư hỏng. Rất may, 4 cháu bé (từ 16 tháng đến 2 tuổi) thoát chết khi chỉ cách đầu ôtô vài mét.
Cách đó gần 2 km, tại vòng xoay cầu vượt Bình Phước, một chiếc container 40 feet khi ôm cua bất ngờ lật nghiêng khiến cửa ngõ phía Đông Sài Gòn kẹt cứng 4 giờ liền.
Chiếc võng nơi 4 cháu bé nằm ngủ khi xe ben lao vào. Ảnh: An Nhơn.
"Ngày nào đọc báo tôi cũng thấy người chết do tai nạn. Phải chăng luật pháp vẫn còn nhẹ tay trừng phạt với những trường hợp gây tại nạn giao thông nghiêm trọng", chị Thu Hiền (quận 12) nói.
Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn TP HCM đang khiến những nhà quản lý "đau đầu". Thống kê trong những tháng đầu năm cho thấy số vụ, số người chết và số người bị thương tăng vọt. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 257 vụ tai nạn giao thông làm chết 219 người và làm bị thương 165 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tăng gần 15%, số người chết tăng gần 25%, số bị thương lên tới 87,5%.
Theo, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó trưởng Ban an toàn toàn giao thông TP HCM cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông tăng vọt trong thời gian vừa qua chủ yếu do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông chưa cao. Cụ thể như lưu thông không đúng phần đường, phóng nhanh, vượt ẩu, người bộ hành trèo qua dải phân cách, chạy vào đường cấm, đường ngược chiều, vượt đèn đỏ...
"Lái xe chạy quá tốc độ, chạy ngược chiều, vượt đèn đỏ... là do ý thức kém chứ đâu phải do tổ chức giao thông", ông Tường nhấn mạnh.
Quốc lộ 1A không có dải phân cách giữa làn xe hai bánh và xe ôtô khiến xe khách ngang nhiên chiếm đường. Ảnh: Tá Lâm.
Uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cũng là một nguyên nhân khiến tỷ lệ tai nạn tăng vọt mà vị Phó trưởng Ban ATGT này kết luận. "Tai nạn trên địa bàn thành phố thường xảy ra cao nhất là vào thời điểm 18h tối cho đến 24h đêm. Khi kiểm tra người vi phạm giao thông trong thời gian này thường đo được nồng độ cồn trong máu rất cao", ông Tường nhận định.
Cũng theo ông Tường, tai nạn xảy ra nhiều và nghiêm trọng nhất là trên các tuyến quốc lộ 1A, 22, 50, tỉnh lộ 10, xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt... "Quốc lộ 1A cứ có tai nạn là chết người bởi tập trung phần lớn các loại xe tải, xe ben, xe container chạy với tốc độ cao rất nguy hiểm", ông Tường nói.
Ban ATGT đã đề xuất với UBND thành phố xây dựng dải phân cách giữa làn xe hai bánh và xe ôtô trên quốc lộ 1A từ giáp ranh tỉnh Đồng Nai đến giáp ranh tỉnh Long An. Trước đây khi xây dựng dải phân cách ở quốc lộ 22 từ An Sương đi các huyện Hóc Môn và Củ Chi, số vụ tai nạn đã giảm 60-70% so với trước khi chưa có dải phân cách.
Ông Tường cũng nhìn nhận tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố chưa phù hợp, nhiều biển báo chưa rõ ràng, phương tiện chiếu sáng ban đêm nhiều địa điểm chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...
Các cơ quan chức năng TP HCM cũng rà soát lại tất cả các điểm đen xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố để xác định rõ nguyên nhân của từng vụ tai nạn nhằm có những giải pháp căng cơ, phù hợp.
HieuHT(Theo baomoi.com)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)