Tai nạn đường sắt chưa giảm như mong đợi

Thứ ba, 28/06/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện NQ 32/CP của Thủ tướng Chính phủ nhưng qua 4 năm thực hiện, mục tiêu giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông của ngành Đường sắt vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện NQ 32/CP của Thủ tướng Chính phủ nhưng qua 4 năm thực hiện, mục tiêu giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông của ngành Đường sắt vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

94% vụ tai nạn đường sắt do phương tiện đường bộ gây ra

Trong 4 năm thực hiện Nghị quyết 32/CP về cơ bản giao thông đường sắt luôn thông suốt và trật tự, TNGT được kiềm chê, tuy nhiên chưa ổn định và bền vững.

Qua phân tích từ năm 2000 xu hướng TNGT tăng dần và đỉnh điểm là năm 2003 với 457 vụ TNGT, làm chết 247 người, bị thương 256 người. Cho đến khi thực hiện NQ 32/CP của Thủ tướng Chính phủ, tình hình TTATGT đã giảm dần những năm sau, nhưng xu hướng giảm không vững chắc, tình hình TNGT diễn biến phức tạp, đặc biệt là năm 2009 và 2010 đã xảy ra 1.065 vụ TNGT, làm chết 453 người, bị thương 612 người; so sánh năm 2010 với năm 2003 thời điểm trước khi thực hiện Nghị Quyết 32/CP, số vụ TNGT tăng 14 vụ (471/457), số người chết giảm 21 người (281/256), số người bị thương tăng 25 người (281/256), so với năm 2009 thì giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng không ổn định, giảm 123 vụ, giảm 1 người chết và giảm 50 người bị thương.

Phân tích 1.061 vụ TNGT thì có đến 999 vụ (94%) là do người và phương tiện cơ giới đường bộ vượt đường sắt gây ra, số vụ còn lại là do lỗi của người điều khiển và phương tiện đường sắt không đảm bảo kỹ thuật. Tại các đường ngang dân sinh trở thành các điểm tiềm ẩn về tai nạn với trên 80% trên tổng số vụ tai nạn xảy ra tại đây, các địa phương để xảy ra TNGT nhiều nhất là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Đồng Nai.

Cưỡng chế vi phạm về ATGT đường sắt: Thiếu và yếu

Mặc dù công tác tuyên truyền pháp luật đã được tăng cường, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế do hoạt động cưỡng chế nhà nước trong lĩnh vực đường sắt còn thiếu và yếu.

Chỉ tính riêng năm 2010, lực lượng Thanh tra giao thông đường sắt cùng với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương xử lý 187 vụ vi phạm, trong đó có 102 vụ vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt, 34 vụ vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự an toàn. Mục tiêu xóa bỏ 50% đường ngang trong năm 2010 chưa đạt được do công tác chuẩn bị đầu tư chậm tiến độ, thiếu vốn và điều hành tổng thể thứ tự ưu tiên các công việc chưa hợp lý, thiếu đồng bộ nên hiệu quả đầu tư thấp.

Việc thiết kế rào hộ lan đường sắt và đường bộ chưa hợp lý làm che khuất tầm nhìn đường bộ tại các đường cong và hạn chế tầm nhìn tại các đường ngang đã làm tăng nguy cơ xảy ra TNGT. Mục tiêu xóa bỏ các yếu tố mất an toàn tại các đường ngang chưa đạt được, các yếu tố chủ yếu gây TNGT tại các đường ngang vẫn tồn tại chưa được xử lý: Giai đoạn I của QĐ 1856/TTg cải tạo 260 đường ngang mới chỉ xử lý các yếu tố mất an toàn đối với phương tiện giao thông đường sắt, hầu hết các yếu tố mất an toàn đối với phương tiện giao thông đường bộ chưa được xử lý, đặc biệt là độ dốc và tầm nhìn là những nguyên nhân cơ bản chưa được xóa bỏ.

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, để giảm thiểu TNGT đường sắt cần tăng cường tuyên truyền thực hiện mục tiêu nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thường xuyên liên tục của các cơ quan quản lý nhà nước về TTATGT từ T.Ư đến địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở của 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua để xử lý, ngăn chặn vi phạm ngay từ khi phát hiện.

Tăng cường phối hợp giữa cơ quan quản lý đường sắt với chính quyền địa phương trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và quản lý đất hành lang ATGT đường sắt. Quan trọng hơn, về lâu dài nếu xóa bỏ được các giao cắt đồng mức giữa các đường bộ, đường đô thị với đường sắt thì chắc chắn TNGT sẽ được giảm thiểu.
Huyenhs(Theo http://luathoc.cafeluat.com)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)