Tai nạn giao thông: Cuộc khủng hoảng y tế mới ở Châu Á
Tạp chí Time viết: Ở các nước đang phát triển, việc đô thị hóa gia tăng, thực thi luật giao thông bất cẩn, cơ sở hạ tầng xuống cấp và đường phố quá tải đã dẫn đến tình trạng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là “cuộc khủng hoảng an toàn đường bộ”, còn Liên minh Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế gọi là “thảm họa”.
Tạp chí Time viết: Ở các nước đang phát triển, việc đô thị hóa gia tăng, thực thi luật giao thông bất cẩn, cơ sở hạ tầng xuống cấp và đường phố quá tải đã dẫn đến tình trạng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi là “cuộc khủng hoảng an toàn đường bộ”, còn Liên minh Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế gọi là “thảm họa”.
Tác động kinh tế đến toàn xã hội
Đó là tình trạng mà gần đây các tổ chức nhân đạo mới để ý tới, trong khi trước đây họ thường quan tâm đến các vấn đề như HIV/AIDS hay sốt rét. Mỗi năm trên thế giới, tai nạn giao thông (TNGT) cướp đi 1,3 triệu mạng sống, 90% trong số đó ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đông Nam Á là một trong những khu vực nghiêm trọng nhất, TNGT ảnh hưởng nặng nề đến những người lái xe máy nghèo và trẻ, khiến họ mất việc, không giúp được gia đình.
Trong thập kỷ qua, số vụ TNGT đã tăng mạnh. Tại Campuchia, số người chết do TNGT tăng hơn 4 lần kể từ năm 2000, lên tới 1.850 người trong năm 2010. TNGT trở thành nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở Campuchia, vượt qua cả HIV/AIDS. Các nước khác cũng có số người chết do TNGT gia tăng tương tự trong quá trình đô thị hóa: Tại Việt Nam, năm 2010 có 11.500 người tử vong - tương đương 31 người mỗi ngày; ở Indonesia, hơn 20.000 người chết do TNGT mỗi năm.
Vấn đề này đã trở nên nghiêm trọng tới mức, tháng 5 tới, Liên Hợp Quốc sẽ phát động Thập kỷ hành động vì an toàn đường bộ trong giai đoạn 2011 đến 2020. Việc này sẽ thu hút nhiều tài trợ và sự chú ý hơn đến các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn đường bộ.
TNGT không chỉ ảnh hưởng đến từng gia đình, mà còn tác động kinh tế tới toàn xã hội. Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đối với 10 quốc gia ASEAN, thiệt hại do TNGT lên tới 15 tỉ USD mỗi năm. Tại những nước nghèo hơn như Myanmar, Campuchia và Lào, TNGT gây thiệt hại tương đương với 2-3% GDP.
Bài học từ Malaysia
Một số chuyên gia cho rằng, các nước ASEAN có thể lấy bài học từ Malaysia. Đất nước này cũng đã trải qua giai đoạn tăng trưởng dân số và đô thị hóa tương đương như thế trong những năm 1970 đến 1990, khiến số người chết do TNGT từ 2.300 người năm 1974 tăng gấp 3 lên 6.870 người năm 2010. Mặc dù con số thương vong tiếp tục tăng, nhưng từ giữa những năm 1990, chính quyền đã ngăn chặn được xu hướng gia tăng về tỉ lệ thương vong nhờ cải tổ mạnh mẽ tiêu chuẩn của cảnh sát, cải tạo đường sá và các chương trình giáo dục an toàn. Ngày nay, tại Malaysia có chưa đến 4 người chết trên 10.000 phương tiện giao thông mỗi năm - chỉ hơn một chút so với tiêu chuẩn an toàn của thế giới là dưới 3 người chết trên 10.000 phương tiện.
Law Teik Hua - kỹ sư dân sự tại Đại học Putra ở Selangor, chuyên gia tư vấn cho Chính phủ Malaysia về an toàn đường bộ - nói: “Trước đây chúng tôi có vấn đề nghiêm trọng với xe máy, nhưng giờ trên đường phố ôtô nhiều hơn, luật đội mũ bảo hiểm được thực hiện. Chúng tôi có sự ủng hộ chính trị vững chắc”.
Trong khu vực, sự ủng hộ chính trị cho công tác an toàn giao thông cũng đang trở nên mạnh mẽ hơn.Tại Campuchia, người ta đã đề ra việc giới hạn tốc độ, thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm, cải thiện chất lượng đường sá, thực thi luật tốt hơn vào giáo dục dân chúng. Tuy nhiên, những thay đổi đó vẫn còn chưa chắc chắn.
Luật đội mũ bảo hiểm đã được thông qua ở Việt Nam và Campuchia trong 5 năm qua. Nhưng ở Campuchia thì cảnh sát không thi hành luật nhất quán và chỉ có người lái xe phải đội mũ chứ người ngồi sau thì không. Ở Việt Nam, luật được thực hiện nghiêm hơn, nhưng mũ bảo hiểm thông thường và giá cả chấp nhận được với người dân thì thường không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn. Ông Law Teik Hua nói rằng, nhiệm vụ giảm thương vong do TNGT không dễ dàng, không chỉ là việc thực thi luật và dọn dẹp vỉa hè. “Phải mất một thế hệ để thay đổi nhận thức của người dân” - ông nói.
Thangnd (Theo laodong)
Ngô Đại Thắng