Cả nước hưởng ứng thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm

Thứ sáu, 14/12/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15-12, mọi người dân đi xe gắn máy trên đường phải đội mũ bảo hiểm. Quy định này của Chính phủ đang nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo người dân.
Ngày 15-12, mọi người dân đi xe gắn máy trên đường phải đội mũ bảo hiểm. Quy định này của Chính phủ đang nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo người dân.

Không ai tự cho phép mình là ngoại lệ


Ngày 15-12, quy định "người đi mô-tô, xe gắn máy (gọi tắt là xe máy) trên tất cả các tuyến đường bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH)" bắt đầu có hiệu lực.

Trong bối cảnh phần lớn người tham gia giao thông sử dụng xe máy (hiện có gần 21 triệu chiếc, chiếm 95,4% số phương tiện cơ giới đường bộ) thì đây là biện pháp hết sức cần thiết để hạn chế tổn thất về sinh mạng, khi không may xảy ra tai nạn giao thông (TNGT).

Mặt khác, do lượng người sử dụng xe máy quá lớn, việc thực hiện quy định bắt buộc đội MBH cũng nảy sinh một số vấn đề, cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tiếp theo...

Quy định đội MBH là bắt buộc và không có ngoại lệ, bất cứ ai "ngồi lên xe là phải đội MBH". Ðây là một biện pháp can thiệp kiên quyết của Nhà nước, đồng thời đòi hỏi từng người tham gia giao thông phải "đấu tranh với bản thân" để thay đổi thói quen.

Không thể không thừa nhận đội MBH có sự bất tiện nhất định, nhưng nếu thông suốt về nhận thức đội MBH để bảo vệ tính mạng của chính mình, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình, ngành y tế và xã hội (khi không may xảy ra TNGT) thì chắc chắn quy định nói trên sẽ được thực hiện nghiêm túc. Có thể lúc đầu là miễn cưỡng, sau thành thói quen, một khi đã thành thói quen, sự bất tiện sẽ không còn là cản trở.

Thực hiện đúng quy định đội MBH còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật, quý trọng cuộc sống và tương lai của mình và là hành vi văn hóa khi tham gia giao thông...

Xây dựng bất cứ một thói quen lành mạnh cho cả xã hội đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía: Công tác tuyên truyền, vận động rộng khắp và ráo riết; cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu; thủ trưởng các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, đơn vị quản lý chặt chẽ việc chấp hành của các thành viên; từng gia đình, từng cụm dân cư nhắc nhở, bảo ban nhau thực hiện...  Nhất là việc người tham gia giao thông cần khắc phục kiểu chấp hành "đối phó", coi đây là một hành vi không văn hóa. Còn các lực lượng chức năng có phương án và kế hoạch kiểm tra, xử lý kiên quyết và bền bỉ, liên tục...

Tất cả các biện pháp phải nhằm củng cố thói quen, không chỉ trong ngày một ngày hai, mà từ nay về sau: "ngồi lên xe là đội MBH". Chưa đội MBH là cảm thấy áy náy và chưa thể khởi hành...

Quang Tuấn

An toàn và văn hóa

Ngay từ tháng 9, tổ dân phố chúng tôi đã phối hợp công an phường tổ chức phát bản cam kết chấp hành luật lệ giao thông tới từng hộ dân trong tổ, trong đó có nội dung cam kết đội MBH khi đi xe máy trên tất cả các tuyến đường. Sau đó, chúng tôi cũng kiểm tra và thấy hầu hết 72 hộ dân trong tổ bước đầu chấp hành cam kết sắm và đội MBH,...

Gia đình tôi có sáu người hiện đều đã đội MBH khi đi xe máy trên đường. Ðội MBH không những bảo đảm an toàn, mà còn thể hiện văn hóa của mỗi người khi tham gia giao thông. Thú thực lúc đầu đội MBH tôi thấy nhiều phiền toái. Thí dụ như khi đưa cháu đi học, tôi phải lỉnh kỉnh xách theo hai cái mũ lên lớp, nếu để ở giỏ xe thì sợ mất, thế nhưng giờ thì không có vấn đề gì cả. Vì tôi đã lắp khóa vào mũ để có thể để mũ trên xe.

Bác NGUYỄN VĂN DẬT
(Tổ trưởng tổ dân phố 122
phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội)

Kiên quyết xử phạt người vi phạm, không loại trừ ai

Theo kế hoạch, Công an thành phố huy động ở mức cao nhất lực lượng, kiểm tra người tham gia giao thông thực hiện quy định đội MBH tại 110 chốt ở 105 tuyến phố trên địa bàn Hà Nội. Mỗi chốt kiểm tra sẽ có từ ba đến năm cán bộ, chiến sĩ. Vị trí các chốt sẽ thay đổi liên tục trên  mỗi tuyến phố.

Ngày 10-12, chúng tôi đã ra quân tập dượt và chủ yếu nhắc nhở đội MBH. Từ 15-12 sẽ ra quân đồng loạt trên tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn của đơn vị phụ trách, CSGT phối hợp chặt chẽ với công an quận, phường, thanh tra giao thông (mỗi phường lập một chốt), kiên quyết xử phạt các trường hợp đi xe máy không đội MBH, không loại trừ một ai.

Trung tá NGUYỄN HỮU TÂM
Ðội trưởng đội CSGT số 5 (Hà Nội)

Tôi đội MBH vì an toàn cho bản thân và vì chồng con tôi

Tôi làm nghề bán trứng gia cầm đã mười mấy năm nay. Sáng nào tôi cũng đi xe máy đưa hàng từ Ðông Anh sang nội thành giao hàng. Ðoạn đường hơn hai mươi cây số mà tôi đi hằng ngày rất nhiều ô-tô chạy đường dài nên dễ xảy ra tai nạn. Vì thế từ ngày phải đưa hàng đi bán ở nơi xa, tôi luôn đội MBH.

Cả nhà tôi trông chờ vào xe hàng của tôi: hai đứa con đang độ tuổi học, nhiều khoản đóng góp hằng tháng cần đến tiền, chồng làm nghề nông cho nên thu nhập rất hạn chế.

Tôi đội MBH để bảo đảm an toàn trong công việc kiếm tiền, không chỉ cho tôi mà còn vì cuộc sống hằng ngày của chồng và con tôi.

Chị NGUYỄN THỊ KHƯƠNG
(Xã Dục Tú, huyện Ðông Anh, Hà Nội)

Tôi đội MBH từ khi biết đi xe máy

Tôi tu tại chùa Vạn Xuân (Gia Lâm, Hà Nội) nhưng hiện đang theo học tại Trường trung cấp Phật học Hà Nội. Từ khi biết đi xe máy là tôi đã đội MBH và khuyến khích những người thân của tôi nên đội MBH khi tham gia giao thông. Hằng ngày tôi phải đi hơn mười cây số để đến trường. Trước khi chưa có chủ trương của Chính phủ về việc đội MBH, tôi đã tự trang bị và tự giác đội mũ cho mình. Thiếu nó khi ngồi trên xe máy tôi không yên tâm, vì giao thông nước mình hiện đang rất phức tạp, nhiều tai nạn xảy ra gây hậu quả nặng nề...

Sư thầy Thích Thanh Huy
tu tại chùa Vạn Xuân (Gia Lâm, Hà Nội)

Là giáo viên nên tôi cần làm gương cho học sinh

Tôi dạy học tại nội thành Hà Nội, nên trước đây cảm thấy việc đội MBH thật sự chưa cần thiết. Có hai lý do đã tạo cho tôi thói quen đội MBH hơn một năm nay, dù đoạn đường từ nhà tôi đến trường rất gần đó là: quy định bắt buộc đội MBH là đúng, trước hết vì sự an toàn cho bản thân và cho tất cả mọi người.

Hơn nữa, là một giáo viên tôi cần làm gương cho các học sinh của mình. Qua hành động cụ thể này, tôi muốn nhắn gửi các bậc phụ huynh và các em học sinh của tôi chấp hành nghiêm chỉnh việc đội MBH khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy.

Cô giáo TRỊNH PHÚC DIỄM
Giáo viên Trường THPT
Phan Ðình Phùng (Hà Nội)

Em đã đội MBH cách đây ba tháng

Em đã từng rùng mình khi thấy cảnh người đi xe máy không đội MBH, bị chấn thương sọ não khi gặp TNGT. Vì vậy, em đội MBH từ hồi tháng 9 năm nay, lớp em hiện có hơn nửa lớp đội MBH khi tới trường. Tuy nhiên, giá mua mũ bảo hiểm không rẻ, nhiều bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn chưa mua được mũ. Ban phụ huynh lớp em đã có kế hoạch hỗ trợ những bạn này mua mũ bảo hiểm.

Thứ hai tuần trước, trường em cũng tổ chức phát động học sinh toàn trường đội mũ bảo hiểm. Nhà trường cũng yêu cầu cô giáo chủ nhiệm của từng lớp thống kê số học sinh mà bố mẹ chở bằng xe máy tới trường để mỗi buổi sáng, các bạn Sao đỏ kiểm tra xem các bạn có đội MBH đến trường không. Bắt đầu từ đợt thi tháng 12, khi tổng kết, các bạn Sao đỏ sẽ cộng cả điểm đội MBH để đánh giá thi đua giữa các lớp...

DIỆP KHẮC LINH
Học sinh lớp 8B Trường
THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội)

Ðội mũ bảo hiểm là để bảo vệ chính mình

Tôi nghĩ, đội mũ bảo hiểm (MBH) khi đi mô-tô, xe máy trước hết là bảo vệ tính mạng của chính mình. Mọi người dân hãy chấp hành nghiêm quyết định của Chính phủ. Hiện nay, rất nhiều người đội MBH là để đối phó với công an, kể cả khi mua mũ không quan tâm đến chất lượng "rẻ tiền cũng mua" và "công an chưa xử phạt thì chưa đội", trong đó lớp trẻ chiếm phần lớn.

Không ít cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước cũng chưa gương mẫu thực hiện. Tôi đề nghị thời gian đầu thực hiện chủ trương đội MBH ở các thành phố, các cơ quan chức năng phải xử lý thật kiên quyết các trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ, loại bỏ triệt để việc "xin xỏ" thì sẽ trở thành việc làm bình thường với mỗi người dân.

TRẦN TRÌNH LÃM
(Số nhà 693/23, đường Trần Cao Vân,
phường Thanh Khê Ðông,
quận Thanh Khê, TP Ðà Nẵng)

Tránh đầu voi đuôi chuột

Chúng tôi thấy quy định của Chính phủ từ ngày 15-12-2007, đi xe gắn máy trên đường phải đội MBH là hết sức đúng đắn và cần thiết để bảo vệ tính mạng người đi xe, tránh chấn thương đầu khi không may xảy ra va quệt do tai nạn giao thông trên đường.

Gia đình tôi gồm bốn người, chồng là công chức, tôi buôn bán nhỏ và hai con trong độ tuổi đi học nên đã sắm hai xe gắn máy để đi làm và đưa đón con tới trường. Trước kia gia đình tôi chỉ trang bị hai MBH đi đâu xa như ra ngoại thành, lên Biên Hòa, xuống Vũng Tàu... mới đội, còn trong nội thành phần lớn thời gian đi xe không đội MBH vì ngại vướng víu.

Từ cuối tháng 10-2007, cơ quan chồng tôi đã trích từ quỹ phúc lợi mua MBH có dán tem, đóng dấu bảo đảm chất lượng phát cho mỗi người trong đơn vị và vận động, nhắc nhở mọi cán bộ, công chức đi xe phải đội MBH. Cơ quan còn đưa việc chấp hành đội MBH vào chỉ tiêu thi đua, cho nên mọi người đều nghiêm chỉnh chấp hành. Còn tôi là người buôn bán tự do nên chạy xe gắn máy trên đường vẫn chủ quan, đội mũ mềm vì cho rằng mình chạy xe cẩn thận nên không thể xảy ra tai nạn được. Qua thực tế cuộc sống, suy nghĩ và hành động như vậy rõ ràng là coi thường tính mạng của người đi đường và của chính mình.

Ðể thực hiện nghiêm chủ trương đội MBH khi tham gia giao thông ở nội đô từ ngày 15-12, gia đình tôi đã mua thêm ba MBH cho mình và dành cho hai con đang học tiểu học và THCS sử dụng khi đưa đón con tới trường, đi chơi.

Chúng tôi đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm, tránh đầu voi đuôi chuột, ra quân rầm rộ kiểu phong trào một thời gian rồi lại đâu vào đó. Ngoài ra, cũng cần xem lại trường hợp trẻ em dưới ba tuổi đi theo cha mẹ trên xe gắn máy có phải đội MBH không, để mọi người biết và chấp hành.

HUỲNH THỊ NĂM
(128C, Lý Chính Thắng, phường 8,
quận 3, TP Hồ Chí Minh)
Theo Báo Nhân Đan

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)