Người gửi: Nguyễn Tiến Nên
Địa chỉ: CảnhDương-QuảngTrạch-Quảng Bình
Điện thoại : 052 596529
E.mail : tiennencd@viettel.vn
Đã nhiều tháng qua, nhất là từ ngày 10/01/2006, ngày mà Nghị định 152/NĐ/CP của Chính phủ về tăng cường xử phạt hành chính trên lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT) đường bộ có hiệu lực thi hành. Để những vi phạm không bị phát hiện, nhiều lái xe trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khi gặp nhau thường có những ám hiệu, tín hiệu thông báo cho nhau về sự có mặt của Cảnh sát giao thông (CSGT).Đây là một việc làm gián tiếp tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, một vấn đề xã hội hết sức nhức nhối hiện nay.
Quan sát thực tế trên nhiều chuyến xe vào Nam ra Bắc, ngoài việc điều khiển phương tiện, lái xe còn có một động tác phụ đó là nháy đèn khi gặp nhau hoặc đưa tay làm hiệu, ý hỏi người lái xe ngược chiều: “Có hay không có CSGT trên đường ?”; nhận ám hiệu trả lời đồng thời thông báo cho người đồng nghiệp những thông tin tương tự. Sau khi được báo có CSGT
làm việc, họ giảm tốc độ đến mức thấp nhất, xếp gọn khách, đóng hết cửa xe..vv, để không bị “bắn tốc độ”, không bị phát hiện số lượng khách, hàng hoá và dễ dàng qua nơi kiểm tra của CSGT. Thế nhưng khi biết phía trước không có CSGT làm việc, hoặc đã qua nơi làm việc thì đâu lại vào đấy, tranh thủ tốc độ, chèn nhau, vượt nhau như những hung thần. Về đêm các hung thần lao càng nhanh nơn, dữ dằn hơn, nguy cơ gây tai nạn vì thế cao hơn, làm gia tăng nỗi lo cho nhiều người.
Việc tăng cường tuần tra, kiểm tra, xử phạt hành chính trên lĩnh vực ATGT đường bộ theo tinh thần Nghị định 152/NĐ/CP là thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/02/2003 của Ban Bí thư, “coi đây là biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để tạo thói quen chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về ATGT của người tham gia giao thông” đã góp phần kiềm chế, giảm dần các vụ tai nạn. Sự có mặt của CSGT các địa phương trên đường, không chỉ duy trì tốt trật tự giao thông, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông mà còn như một sự nhắc nhỡ cho các lái xe luôn chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, đem lại sự bình an, hạnh phúc cho bản thân và xã hội. Thiết nghĩ, các lái xe cần hưởng ứng, chấp hành và đặc biệt không nên tìm cách “đối phó” với CSGT như đã nói ở trên.
Để hiệu quả công tác kiểm tra của CSGT không bị vô hiệu hoá bởi “quy ước ngầm” giữa các lái xe. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đúng đối tượng. Sao cho các lái xe nhận thức đúng nghĩa vụ của mình là phải tự giác chấp hành pháp luật về ATGT. Mặt khác cần tăng cường kiểm tra , phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi của các lái xe, thông báo cho nhau về sự có mặt của CSGT trên đường. Bởi hành vi “đối phó” ấy cũng chính là gián tiếp làm tăng nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.