Phân tích TNGT đường bộ theo loại đường, thì số vụ xảy ra trên quốc lộ chiếm tỷ lệ rất cao: 58% (riêng TNGT đặc biệt nghiêm trọng là 64,1%). Thông thường, trên quốc lộ xe cơ giới hoạt động với mật độ và tốc độ cao, dễ dẫn đến tai nạn. Mặt khác, do hành lang đường bộ bị lấn chiếm hoặc hình thành nhiều khu dân cư, nhà máy, cửa hàng đấu nối đường ngang trực tiếp ra quốc lộ, làm khuất tầm nhìn và gây ra xung đột dòng xe là một nguyên nhân của rất nhiều vụ TNGT. Ở một số đoạn trên quốc lộ 5 Hà Nội-Hải Phòng thì có tới 50% số vụ TNGT xảy ra ở những điểm giao cắt. Do vậy lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ là một trong những biện pháp cấp thiết và cơ bản để hạn chế TNGT.
Các văn bản pháp lý đều khẳng định dải đất hai bên quốc lộ là hành lang an toàn giao thông (ATGT) nhằm bảo vệ công trình và bảo đảm quy tắc giao thông. Nhưng trong thực tế, hành lang an toàn ở trạng thái mất “an toàn” nghiêm trọng. Phần lớn hành lang giao thông QL5 đã trở thành “phố” với nhà dân và các công trình bám hai bên đường. Quốc lộ 1 với chiều dài 2.300 km đã có 194 khu công nghiệp, 2.101 khu dân cư, 1008 cây xăng và 2.363 điểm đấu nối khác.
Qua khảo sát cụ thể 272,5 km trên quốc lộ 1 ở cả ba miền cho thấy: Về chiều rộng hành lang, chỉ 24% đủ theo quy định (15 m), phần còn lại có nhiều công trình, nhà ở nằm trên hành lang, có nhiều nơi bám sát mặt đường. Về đường ngang, bình quân 3,3 đường ngang/km, nghĩa là 300 m có một đường ngang.
Quốc lộ 51 TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu và nhiều quốc lộ khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Không chỉ “nhà bám đường”, những năm gần đây một số địa phương sử dụng “mặt tiền” và hành lang quốc lộ như một thứ “ưu đãi” để thu hút các nhà đầu tư (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), tạo ra tình trạng “doanh nghiệp bám đường”, tuỳ tiện mở ra nhiều đường ngang không phép...
Để khắc phục tình trạng này phải có sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về vai trò của hành lang ATGT, từ bỏ thói quen xây dựng các khu dân cư, các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ bám dọc hệ thống quốc lộ và có lộ trình giải tỏa lấn chiếm hành lang ATGT.
Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, cùng với việc Chính phủ có Chỉ thị về lập lại trật tự bảo vệ hành lang đường bộ, cần có một ban chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện nhiệm vụ nói trên. Đi đôi với công tác tuyên truyền vận động nhân dân và doanh nghiệp, các ngành liên quan và địa phương phải thể hiện sự chuyển biến trước hết từ tư duy quy hoạch.
Cụ thể là: Kiên quyết không xây dựng mới các khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư bám sát và chạy dọc các quốc lộ hoặc trục đường chính của địa phương. Các điểm đấu nối ra quốc lộ phải trên cơ sở quy hoạch, đúng thiết kế được duyệt của cơ quan chuyên ngành.
Dỡ bỏ những công trình trái phép (xây dựng trái phép hoặc cấp đất trái phép), trước mắt là những công trình gây hư hại cầu đường và mất ATGT. Xây dựng hệ thống đường nội bộ, đường gom, đường đấu nối ra quốc lộ từ những khu công nghiệp, thương mại, dân cư đã có trước đây. Hoàn chỉnh quy hoạch hành lang quốc lộ, cắm đầy đủ mốc lộ giới, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Khắc phục tình trạng “nhà bám đường”, “doanh nghiệp bám đường” không chỉ nhằm hạn chế TNGT. Đây là việc làm góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước, một vấn đề hết sức bức xúc. Mỗi năm, Nhà nước đầu tư hàng tỷ USD nâng cấp và cải tạo các quốc lộ nhằm tăng mật độ và tốc độ lưu thông.
Một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư là do các khu công nghiệp, dịch vụ, dân cư bám dọc hai bên đường, buộc phải quy định hạn chế tốc độ xe như hiện nay. Có chuyên gia tính rằng, quốc lộ 5 được đầu tư nâng cấp 20 tỷ đồng/km để tăng tốc độ xe lên gấp đôi, nhưng trong thực tế chỉ tăng được gấp rưỡi, là một dẫn chứng cụ thể về lãng phí vốn đầu tư do việc sử dụng tuỳ tiện hành lang an toàn đường bộ
Nhân Thân
(Trích đăng từ báo Giao thông vận tải điện tử)