Hạ tầng tốt, xe tốt, nhưng biển báo bất cập sẽ không mang đến sự hài lòng cho người sử dụng. Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay của ngành Giao thông vận tải (GTVT) là phải thống nhất hệ thống các loại biển báo hiệu đường bộ phù hợp để không gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Nhiều biển báo hỏng
Nhiều tuyến quốc lộ (QL) hiện nay đã được nâng cấp, khai thác, sử dụng ổn định, những vẫn tồn tại tình trạng có nhiều biển báo hiệu không còn phù hợp, bị bong tróc, che khuất, không thống nhất… Chẳng hạn, trên QL1 và cao tốc Bắc Thăng Long hiện vẫn tồn tại nhiều biển báo hạn chế tốc độ đã mất tác dụng hoặc báo hiệu sai so với thiết kế tốc độ của tuyến đường nhưng “quên” chưa được dỡ bỏ… Tất cả những biển báo này đều tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường.
Biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ không còn phù hợp phải thay thế.
Hay, trên QL21B đoạn qua xã Bích Hòa (Thanh Oai, Hà Nội), đây là một trong những “điểm đen” tai nạn giao thông của Hà Nội mà từ lâu chưa được ngành chức năng xử lý. Tại điểm đen này, theo lý giải của CSGT, tai nạn chủ yếu do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện, phóng nhanh, vượt ẩu, ý thức tham gia giao thông hạn chế. Nhưng thực tế, chính đoạn đường vắng vẻ, thiếu biển cảnh báo “Đường cua”, “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn” mới là nguyên nhân gián tiếp. Hay trở lại câu chuyện cả nước sẽ hoàn thành “khai tử” các biển báo hạn chế tốc độ không còn phù hợp trên QL trước ngày 31/1/2016, nhưng đến nay, vẫn còn nhiều địa phương đang “đôn đốc” thực hiện…
Biển báo hiệu giao thông nhằm chỉ dẫn, báo lệnh hoặc hướng dẫn sự đi lại trên đường bộ để người tham gia giao thông thực hiện đúng luật, đảm bảo an toàn, thuận lợi lưu thông. Nhìn nhận khách quan hiện nay, đường xá ở các khu vực đô thị, đông dân cư như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay trên những tuyến QL đã có sự nâng cấp, ổn định, thì nhiều biển báo hiệu hạn chế tốc độ đã không còn phù hợp. Nhiều biển báo phân làn đường, phân loại xe cơ giới… cũng không phát huy tác dụng, gây bất cập cho giao thông.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Bất cập lớn nhất hiện nay là việc phân cấp quản lý, sử dụng và thay thế biển báo hiệu trên hệ thống QL giữa Bộ GTVT và các địa phương. Đường qua tỉnh, nội đô do các địa phương quản lý và tổ chức giao thông, còn QL do Bộ GTVT quản lý. Thêm vào đó, nhiều biển báo giao thông trên các tuyến QL hiện nay là do các nhà thầu thi công dựng lên theo thiết kế của dự án, nhưng nhiều dự án chưa hoàn thành, chưa thay thế, bổ sung kịp thời, nên xảy ra nhiều bất cập. Vì vậy tổng cục đang phải rà soát, phối hợp với các địa phương xóa bỏ các biển báo chưa phù hợp để thống nhất biển báo QL trên toàn quốc.
Yêu cầu cấp thiết
Theo con số thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết ngày 30/1, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, điều chỉnh biển báo hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ trên tất cả các tuyến đường. Tổng số biển hạn chế tốc độ dưới 50 km/giờ có 2.580 biển, trong đó đã dỡ bỏ hoàn toàn 1.746 biển, thay bằng biển báo tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50 km/giờ là 103 biển; thay thế bằng cảnh báo đi chậm, đường cong là 289 biển và giữ nguyên 442 biển tốc độ dưới 50 km/giờ đối với xe khách giường nằm 2 tầng, một số vị trí cầu yếu, điểm đen chưa được xử lý…
Việc rà soát biển báo hiệu tốc độ được thực hiện từ trong năm 2015. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các địa phương phải hoàn thành rà soát trước 31/1/2016. Trong năm 2016, Tổng cục Đường bộ tiếp tục rà soát các loại biển báo giao thông khác như: Biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn...
Tuy nhiên, cả nước mới có 44 tỉnh, thành phố rà soát xong toàn bộ tất cả các loại đường trên địa bàn, còn lại 19 địa phương đang tiếp tục đôn đốc thực hiện như: Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Các địa phương này chưa rà soát xong là do địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa và phải xin ý kiến của địa phương.
Trên thực tế, biển báo hạn chế tốc độ không còn phù hợp trên QL bị “khai tử” chỉ là một trong những loại biển báo hiệu đường bộ cần được thay thế để thống nhất tốc độ khai thác phù hợp trên tất cả các tuyến đường. Còn nhiều loại biển báo hiệu đường bộ hiện nay đã hết tác dụng, hỏng hóc, mỗi địa phương một kiểu… nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” rất cần được ngành Giao thông rà soát, thay thế nhằm thống nhất chức năng, hiệu năng sử dụng.
Về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Nhiều biển báo hiện nay không giúp cho ATGT mà chỉ gây bức xúc cho người đi đường. Rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo để đi vào quy chuẩn thống nhất và tổ chức hệ thống giao thông là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phải phối hợp với Sở GTVT các địa phương xử lý dứt điểm, chứ không thể đổ lỗi cho việc phân cấp quản lý các tuyến đường.