Thay vì phải thay thế, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn cố sử dụng các phương tiện giao thông đã hết niên hạn sử dụng nhằm kinh doanh thu lợi. Điều này tiềm ẩn mối nguy hiểm cho chính người điều khiển phương tiện và cả cộng đồng xã hội.
Tem đăng kiểm đã hết, tuy nhiên, chủ xe vẫn cố tình đưa vào lưu hành
Ngày 25/1/2015, tại km 605 đường mòn Hồ Chí Minh, xe khách BKS 37B – 010.52 chạy theo hướng Nghệ An - Thanh Hóa (trên xe chở 13 người và 1 tài xế), đến địa điểm trên thì bất ngờ nổ lốp đâm thẳng vào xe tải BKS 29H-7506 đi ngược chiều. Hậu quả vụ tai nạn thảm khốc làm 6 người chết tại chỗ, 3 người chết trên đường đi cấp cứu và 5 người bị thương. Đáng chú ý, theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe tải BKS 29H-7506, nhãn hiệu IFA, sản xuất năm 1989 tại CHLB Đức; xe kiểm định lần gần nhất vào ngày 16/7/2012, có hạn kiểm định đến ngày 16/10/2012 (đã hết hạn kiểm định) và hết niên hạn sử dụng từ ngày 1/1/2015.
Cho đến nay, chưa có con số thống kê cụ thể nào về các vụ tai nạn giao thông liên quan tới các phương tiện đã quá niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại cũng như sự thảm khốc từ những vụ tai nạn đã từng xảy ra, do những phương tiện “quá đát” này gây ra luôn là nỗi ám ảnh đối với cộng đồng xã hội.
Nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thủ đô, thời gian qua, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội liên tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển xe ô tô cũ nát, quá niên hạn sử dụng, xe ba bánh tự chế và xe mô tô “cũ”, không đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật, tham gia giao thông gây nguy hiểm cho người đi đường.
Chiến sỹ CSGT Đội 11 làm việc với người điều khiển xe ô tô vi phạm, BKS 29L-8157.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Km 412 đường mòn Hồ Chí Minh (địa phận Quốc Oai, Hà Nội), chỉ trong buổi sáng 18/3, Đội CSGT số 11 đã tiến hành kiểm tra, xử lý hơn 10 trường hợp vi phạm.
Đặc biệt nghiêm trọng, trong quá trình làm việc, Đội đã phát hiện một xe ô tô khách dùng chuyên chở học sinh của trường THPT Ngô Sỹ Liên – Xuân Mai, xe đã hết niên hạn sử dụng từ năm 2014. Tiến hành kiểm tra các lỗi an toàn kỹ thuật trên xe, cán bộ, chiến sĩ của Đội cho biết: Xe đã hết hạn đăng kiểm từ năm 2014, điều kiện sử dụng xe hết sức nguy hiểm. Cụ thể: Bánh lái, phanh, cần số của xe đều thiếu điều kiện đảm bảo an toàn, ghế ngồi trên xe không có dây an toàn, cửa lên xuống của xe không đóng được hoàn toàn. Đáng chú ý, khi tiến hành kiểm tra, tài xế lái xe Lê Văn Viễn, người điều khiển xe (sinh năm:1989, tại Trung Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội) không xuất trình được giấy tờ và bằng lái xe.
Xe không còn đảm bảo về điều kiện vận hành, nhưng vẫn được sử dụng để đưa, đón học sinh
Có mặt tại đây, Đại úy Nguyễn Ngọc Thuyên, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 11 cho biết: Các trường hợp vi phạm bị xử lý đều là các xe cũ nát, xe ba bánh tự chế chở hàng cồng kềnh. Thời gian tới, Đội sẽ tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các loại phương tiện “cũ”, phương tiện quá niên hạn sử dụng, tránh để xảy ra tình trạng “lộng hành” của các loại phương tiện nói trên.
Có thể thấy, việc cố tình sử dụng các loại phương tiện giao thông quá hạn, hết hạn sử dụng đang là vấn đề nghiêm trọng, "đau đầu" đối với các cơ quan quản lý của Nhà nước.
Một vụ việc xảy ra gần đây nhất, gây chấn động dư luận, liên quan tới một phương tiện vận tải đường thủy.
Trưa 20/3/2016, tàu kéo sà lan chở cát chạy từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai, khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy 1 mố cầu, 2 nhịp sập xuống nước, một số xe máy cùng người điều khiển đang đi trên cầu bị rơi xuống nước. Cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong, 02 tài công lái tàu (được xác nhận là chưa có bằng lái) đã bỏ trốn khỏi hiện trường và bị bắt giữ bởi cơ quan chức năng sau đó. Điều đáng lên án, phương tiện này, được Chi cục đăng kiểm số 6 cho biết; đã hết hạn đăng kiểm gần 3 tháng trước.
Tai nạn khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt. Ngành đường sắt phải dùng xe khách chuyên chở hàng nghìn hành khách từ ga Sài Gòn lên ga Biên Hòa để di chuyển và ngược lại. Sự việc gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước, gây thiệt hại với doanh nghiệp và người dân. Tuyến đường sông qua khu vực này cũng được phong tỏa. Bộ GTVT cho biết, phải mất từ 3 đến 5 tháng mới khắc phục được sự cố.
Có thể thấy, chế tài và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc loại bỏ tối đa, không sử dụng các loại phương tiện giao thông hết hạn, hoặc không qua kiểm định của cơ quan chức năng là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn vấn nạn này lại nằm chính ở ý thức của những người sở hữu và sử dụng các loại phương tiện trên. Thiết nghĩ, để không còn xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước và xã hội, cơ quan chức năng cần kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, các chủ phương tiện và người cầm lái cũng cần nghiêm túc chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT./.