Việc xác định và bảo vệ hành lang bảo vệ luồng đường thủy đang là khoảng trống đe doạ sự phát triển bền vững của GTVT đường thủy. Trước thực tế trên, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đề xuất Bộ GTVT trình Chính phủ kế hoạch lập lại trật tự hành lang luồng đường thủy với nhiều mục tiêu cụ thể.
Việc chưa được cắm mốc xác lập hành lang bảo vệ luồng, kéo theo sự phức tạp trong
quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy (Trong ảnh: Sông Công đoạn giápThái Nguyên và Hà Nội)
Nhất cận thị, nhị cận giang
Trực tiếp thực tế trên một số tuyến đường thủy ở phía Nam như kênh Tháp Mười số 1 (Đồng Tháp), Rạch Tẻ (TP HCM), sông Cửa Lớn đoạn qua thị trấn Năm Căn (Cà Mau)… PV Báo Giao thông chứng kiến có rất nhiều phương tiện gia dụng, tàu chở hàng neo đậu khiến tàu thuyền lưu thông dọc tuyến buộc phải giảm tốc độ để tránh va chạm, tạo sóng hoặc mắc vào đăng, đáy cá. Nhiều đoạn không qua khu dân cư lại có chắn đăng đáy cá, nhà bè nuôi trồng thủy sản cố định, có khi gần với phao giới hạn luồng đường thủy.
Còn ở các tỉnh phía Bắc, tình trạng xây dựng nhà cửa, công trình bám sát mép sông hoặc đua cần cẩu, máng rót đá, băng chuyền tải vật liệu xây dựng ra luồng chạy tàu, hành lang an toàn của luồng (như sông Cầu, Phi Liệt…) rất phổ biến. Thậm chí, nhiều nơi không có chỗ cắm biển báo đường thủy.
Theo ông Trần Văn Thọ, Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam: “Hầu hết các tuyến ĐTNĐ, nhất là tại các khu vực qua đô thị, khu dân cư xảy ra tình trạng lấn chiếm hàng lang ATGT đường thủy, gây cản trở vận tải đường thủy và đe dọa an toàn bền vững của đường thủy”.
Cũng theo ông Thọ, năm 2001 - 2006 khi chưa có Luật Giao thông ĐTNĐ, ngành Đường thủy đã thí điểm dùng nguồn kinh phí bảo trì đường thủy để cắm mốc hành lang một số đoạn tuyến, nhưng do kinh phí hạn hẹp và thiếu chế tài nên khó duy trì, bảo vệ được hành lang.
Tình trạng xâm lấn hành lang đường thủy còn gây hệ lụy phức tạp khi GPMB để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Ông Dương Thanh Hưng, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án đường thủy cho biết, quá trình triển khai dự án nạo vét, nâng cấp các đoạn tuyến thuộc hành lang đường thủy xuyên Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên; Hành lang đường thủy duyên hải phía Nam gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phương án GPMB, ảnh hưởng đến tiến độ. Trong đó, ở một số đoạn tuyến chỉ vài chục kilomet nhưng mật độ nhà cửa công trình ven sông dày đặc, khiến chi phí hỗ trợ, giải phóng mặt bằng lên đến vài chục tỷ đồng. Tương tự, tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, số tiền để GPMB cho các hộ sản xuất tại bãi đá ven sông Phi Liệt cũng lên đến hơn 32 tỷ đồng.
Đề xuất kế hoạch thiết lập trật tự hành lang đường thủy
Theo ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam, bài học kinh nghiệm trong việc quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt đã cho thấy, việc chậm trễ trong quản lý chặt hành lang ATGT ĐTNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT, quản lý kết cấu hạ tầng và tốn kém tiền của Nhà nước khi triển khai các dự án liên quan đến kết cấu hạ tầng đường thủy. Vì vậy, tới đây rất cần thiết lập trật tự, quản lý hành lang đường thủy theo Luật Giao thông ĐTNĐ. Mới đây, Cục đã trình Bộ GTVT cho phép lập kế hoạch lập lại trật tự hành lang ĐTNĐ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành và địa phương, với lộ trình và mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2017-2025.
Ông Ngô Anh Tuân, Quyền trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng đường thủy Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy được xác định tùy theo cấp luồng, từ 5 - 25m. Trường hợp luồng nằm sát bờ thì tính từ mép bờ sông, kênh tự nhiên vào phía bờ 5m. Trường hợp luồng nằm trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn tính theo chỉ giới đường đỏ quy hoạch.
Nội dung chính mà Cục ĐTNĐ Việt Nam đề xuất nghiên cứu để lập kế hoạch là rà soát, thống kê các công trình vi phạm nằm trong phạm vi hành lang đường thủy, từ đó lựa chọn phương án cắm mốc chỉ giới và các giải pháp thực tế bảo vệ hành lang. Kế hoạch dự kiến chia làm 3 giai đoạn, trong đó đến hết năm 2017 thực hiện tuyên truyền vận động, 2018-2020 tuyên truyền, giải tỏa và cắm mốc đạt 70%; 2021-2025 hoàn thành cắm mốc bảo vệ hành lang ATGT đường thủy.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện toàn quốc có 7.125,4 km đường thủy quốc gia, với 207 tuyến sông, kênh và 19.525 km đường thủy địa phương thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hiện, hầu hết các tuyến chưa được cắm mốc chỉ giới hành lang ATGT.