Từ 1/7 sản xuất và bán mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn sẽ bị phạt

Thứ sáu, 31/03/2017 14:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 31/3, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cùng phối hợp chủ trì tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực Quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP”.

Hội thảo về Nâng cao năng lực Quản lý chất lượng mũ bảo hiểm
và triển khai thực hiện Nghị định 87/2016/NĐ-CP.

Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm (MBH) cho rằng, trong các khâu sản xuất MBH đạt chất lượng thì khâu ép vỏ xốp rất khó khăn. Trang thiết bị để đầu tư khâu này tốn kém đối với một cơ sở sản xuất nhỏ, tài chính hạn hẹp. Nên chăng Nhà nước cần có quy chế cho các doanh nghiệp sản xuất có sự liên kết với nhau. Để tránh sự đầu tư lãng phí, không thất thiết phải có đủ trang thiết bị mới được sản xuất MBH.

Ngoài ra, quy định về xử lý MBH giả, kém chất lượng cũng chưa hợp lý. Đơn cử, nhiều trường hợp cơ quan chức năng ra quân kiểm tra MBH, gặp cơ sở sản xuất MBH đang gia công công đoạn mút xốp, vỏ nhựa… nhưng cũng không xử phạt được. Vì theo quy định pháp luật, chỉ khi sản phẩm sản xuất là hình dạng chiếc MBH mới có cơ sở pháp lý để xử phạt. Do vậy, Nhà nước cần bổ sung tính pháp lý để xử phạt những trường hợp như vậy, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành nhãn hiệu MBH Nón Sơn đề nghị.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc Gia phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, năm nay là năm tuyên truyền về ATGT trong thanh thiếu niên. Dự kiến tháng 9 sẽ là đợt cao điểm tuyên truyền về MBH đủ tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng này.

Đặc biệt, chiến dịch kiểm tra MBH chất lượng cho người dân sẽ thông qua CSGT. Cụ thể, nếu gặp người tham gia giao thông đội MBH chưa đạt chuẩn, CSGT sẽ không mất thời gian tranh cãi với người dân xem MBH đạt chuẩn hay chưa. Để chứng minh, CSGT sẽ dùng dụng cụ đập. Nếu MBH không chuẩn sẽ bị vỡ. Lúc đó CSGT sẽ đổi cho người dân bằng những MBH đạt chuẩn. Người dân cũng không bị phạt. Những MBH đạt chuẩn này được tài trợ bởi các mạnh thường quân. Tất nhiên số lượng cũng có hạn.

Theo ông Hùng, hiện nay trên cả nước có khoảng 40% MBH kém chất lượng đang tồn tại trên thị trường, trong đó tỉ lệ MBH chưa đạt chuẩn ở phía Bắc chiếm khá lớn. Để cùng chống MBH kém chất lượng, ông Hùng đề nghị, người dân khi phát hiện đơn vị sản xuất, kinh doanh MBH không đạt chất lượng cần chủ động báo cho cơ quan chức năng, hoặc cơ quan báo chí.

Cũng theo Ban ATGT TP HCM, trong năm 2016, đã có 677 người chết, 203 người bị thương có liên quan đến MBH. Hy vọng Nghị định 87/2016/NĐ-CP đi vào đời sống sẽ giải quyết từ gốc vấn đề về chất lượng sản xuất MBH kém chất lượng nhằm giảm chấn thương vùng đầu do TNGT cho người tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để quản lý tốt chất lượng MBH trước khi đến với người tiêu dùng.

hoavt

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)